Phiên chợ ngày đông

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/12/2013 | 2:42:26 PM

Chợ phiên quê tôi thường họp vào ngày có số ba, sáu, chín và tất cả các ngày lễ, tết trong năm. Chợ phiên ở quê không rộng, không quá đông và cũng không có nhiều mặt hàng nhưng lại có sức hút kỳ diệu đối với những đứa trẻ.

Cứ vào những ngày nghỉ, tôi lại dậy thật sớm theo mẹ đi chợ. Những kỷ niệm ngọt ngào và đáng nhớ nhất lại chính là những phiên chợ ngày đông.

Từ bé, tôi thường theo mẹ đi chợ, không phải vì để đòi mẹ mua cho những bộ quần áo, đồ chơi hay đồ ăn, thức uống. Tôi thích cái cảm giác buổi sáng mùa đông lạnh giá lon ton chạy theo mẹ để rồi người mình cứ nóng ran lên, quên đi cái lạnh cóng đến tê người. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu được, vì sao trên vai là gánh hàng nặng trĩu mà mẹ tôi lại đi nhanh đến thế. Phải chăng là để kịp cho phiên chợ sớm, đó là sự chạy đua với thời gian để bán được thật nhiều hàng?

Chợ phiên quê tôi mộc mạc, giản dị và dân dã, thường chỉ là những túp lều tạm, hoặc lán tre lợp bằng mái cọ, mái gianh. Phiên chợ ngày đông không vì cái khắc nghiệt của thời tiết mà thiếu vắng những sản vật gần gũi của quê hương. Đó đơn giản là những nải chuối chín vàng ươm, thơm lừng; là những ngọn măng tươi vỏ vẫn còn nguyên màu đất; là những cây mía vì chất chứa quá nhiều nước mà căng ra như sắp nẻ; là các loại vật dụng hằng ngày, như cái liềm, cái cuốc, con dao, cái thúng, mủng, dần, sàng… Thi thoảng lại có tiếng hỏi thăm về một vụ mùa và bàn bạc để cùng nhau chuẩn bị gieo mạ cấy sau tết.

Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất chính là các cô, các bác ngồi cuối chợ. Đó là những chậu cá, tôm, cua, ốc, ếch. Những con cá còn tươi rói, lượn lờ trong chậu nước. Những con tôm vẫn còn bật tí tách, thi thoảng lại có con “chạy trốn” ra ngoài khiến cô bán hàng phải lấy tàu lá chuối đậy lại một góc.

“Thôi cháu cho cô xin mươi ngàn một cân. Chiều qua cô đi bắt được có hơn hai cân. Dạo này trời lạnh nên không có nhiều ốc, cháu ạ. Hết kỳ một rồi, cô kiếm thêm vài đồng để đóng học phí cho đứa thứ hai” - cô bán hàng chưa dứt lời thì chị mua hàng không mặc cả gì, đã lấy và trả đủ mười ngàn rồi chào cám ơn.

Tôi nhìn xuống thì thấy cô ấy ăn mặc rất phong phanh. Chiếc nón đã cũ và bong lớp lá cọ. Khuôn mặt dù bị sạn chai vì nắng gió nhưng vẫn hiện lên vẻ phúc hậu. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh nhất, chính là đôi chân trần, nứt nẻ huếch hoác. Chắc hẳn là do đi mò cua, bắt ốc dưới thời tiết khắc nghiệt quá nhiều mà đôi chân ấy đã trở nên như vậy.

Chợ phiên quê tôi dù là ngày thường chăng nữa thì lượng người vẫn đều đều như nhau. Có lẽ đi chợ quê mỗi khi đến phiên đã trở thành một thói quen không thể thiếu của mỗi người dân quê. Trong những phiên chợ quê ấy, tôi luôn tìm thấy hình ảnh của tuổi thơ, bóng dáng của quê hương mình, những điều thân thuộc nhất trong tiềm thức của một người con sinh ra từ quê hương yêu dấu…

Nguyễn Thành Công

Các tin khác

Tuổi thơ tôi là chuyến đò cổ tích/ Có bà Tiên, có ông Bụt diệu kỳ/ Phép nhiệm màu nâng mỗi bước tôi đi/ Dòng thời gian mang tuổi thơ xa mãi.

Mùa đông, cái lạnh lùa vào da thịt khiến người ta vội tìm những chiếc áo bông dày, những đôi tất ấm. Tôi co người trong tấm áo khoác hoặc ủ ấm trong chiếc chăn ở nhà.

Niềm vui đến lớp. (Ảnh: Đoàn Thanh Hà)

Cô à! Đã lâu rồi con không được ngắm nhìn những dòng chữ nghiêng nghiêng, được nghe lời cô nói mỗi ngày. Con đã từng ước mong mình một lần bé lại để quay về cái ngày xưa ấy, được ngồi trong lớp học thân yêu của cô, được lắng nghe cô say mê giảng bài.

Nó cảm thấy buồn chán, mệt mỏi và dường như sắp gục ngã trước cuộc sống, bởi lẽ có quá nhiều điều gây áp lực cho nó… Ngày qua ngày, tâm trạng chán nản cứ liên tục diễn ra, nó chẳng hề tìm được dù chỉ một chút niềm vui trên cái thế giới này và nó cũng chẳng biết mình nên làm gì để thay đổi cách sống, thay đổi cách suy nghĩ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục