Lửa ấm
- Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 8:36:03 AM
Từ bao giờ, tết đối với tôi mà nói, cũng như lửa ấm trong tim. Tuy không phải lúc nào nó cũng bùng bùng cháy sáng nhưng luôn hiện hữu ở đó, để mỗi khi đón chờ nó, tôi lại cảm giác được ngọn lửa ấy lan tỏa, sưởi ấm tâm hồn.
Mai huơ huơ tay gần bếp lửa hơn một chút. Cô thích được sưởi ấm như thế này, nhất là trong những ngày đông giá buốt mà ngoài trời gió rét căm căm. Mai muốn cảm nhận sức ấm nóng của ngọn lửa đang bập bùng, đang nhảy nhót trên bếp. Ánh lửa chưa bao giờ thôi hấp dẫn Mai, suốt thời thơ bé tới bây giờ. Nghe mẹ kể, hồi bé cứ thắp nến là Mai lại tóm lấy lửa, làm bố mẹ toàn phải canh chừng. Cứ bảo hồi đấy trẻ con hiếu động, tò mò và thích khám phá nhưng sao đến giờ, với Mai, lửa cháy lên vẫn là một điều kì diệu.
Bừng sáng và ấm nóng. Ánh lửa khiến xung quanh tươi sáng và ấm nóng một cách sinh động, và cuộc đời mới đáng yêu làm sao! Thú vị thật, bạn của Mai chọn hình ảnh ngọn lửa cho ước mơ, là những khao khát cháy bỏng thôi thúc. Có người ví ngọn lửa với tình yêu vì nó nồng nàn, rực cháy. Bà thì bảo lửa là mái ấm, là bếp lửa cho những bữa cơm sum vầy, cho gia đình quây quần trò chuyện. Còn như đêm tháng Chạp này, ngọn lửa với Mai là tết yêu thương.
Trời đã tối và lạnh buốt, Mai ngồi thu lu trên chiếc ghế gỗ nhỏ trong góc bếp nhà bà, nhìn lên mảng tường cũ đen kịt những lớp bồ hóng, nào củi chất chồng, rồi cả thúng mủng. Căn bếp cũ kĩ nhà bà luôn cho Mai cảm giác thân thương để trở về, nơi đó như một “bảo tàng” của đủ món đồ từ xửa từ xưa, bảo tàng của tuổi thơ Mai nữa. Những câu chuyện của ngày xưa bà kể lẫn trong vị sắn bùi, trong mùi khoai vùi bếp thơm lừng ngày nhỏ. “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm… Một bếp lửa ấp iu nồng đượm…”.
Nhặt mẩu củi có đốm lửa còn chưa tàn, Mai vạch vạch những nét nguệch ngoạch xuống đất. Có phải lúc nào cũng có dịp ngồi bên bếp lửa thế này đâu mà chị Tâm không cố thu xếp công việc mà về.
Năm nào cũng vậy, các anh chị em Mai sẽ tề tựu về gói bánh cùng bà. Còn nhớ ngày bé, mấy đứa cháu nhỏ toàn nghịch ngợm, quậy phá xung quanh. Mai với chị Tâm hay tranh thủ lúc bà không để ý mà lén lấy gạo, lấy đỗ rồi vụng về gói những chiếc bánh bé bằng lòng bàn tay. Bà biết hết nhưng lúc nào bà cũng muốn lũ quỷ sứ ấy về đông đủ mà còn biết gói bánh chưng thế nào, luộc bánh thế nào. Lúc ngồi trông nồi bánh, má đứa nào đứa nấy đều ửng hồng, nóng ran; có khi buồn ngủ lắm mà vẫn cố đợi vì quá háo hức. Bà thường xếp quanh nồi bánh những nồi nước con con để tiện tiếp nước luộc bánh và cũng có nước nóng để tắm cho từng đứa.
Bây giờ thì những đứa cháu bà chăm bẵm đều đã trưởng thành, tuy không phải tò mò về nồi bánh chưng nữa mà quây quần ở đây để được sưởi ấm bên bếp lửa, bên bà và trong không khí sum họp ngày cuối năm. Sắp đến tết, lửa, chập chờn trong trí óc. Ngọn lửa trong sự tích ông đầu rau. Ngọn lửa của nồi bánh chưng nhà bà. Ngọn lửa bố trang trọng thắp lên bàn thờ tổ tiên.
- Con Hến đâu giúp bà vớt bánh nào - tiếng bà cắt ngang dòng suy nghĩ miên man trong Mai. Bà đã đứng sau Mai từ lúc nào, nụ cười hồn hậu trước giờ vẫn thế.
Bà mắng yêu:
- Lớn bằng này rồi mà còn mót gạo của bà nghịch hả, cái con bé này?
- Ơ?
Một chiếc bánh chưng bé xíu xíu ở góc nồi. A, chị Tâm…
Bằng một cách nào đó, lửa ấm gia đình - truyền thống chưa bao giờ thôi làm ấm lòng người. Bởi hơi ấm ấy đã trở thành một phần tâm hồn ta rồi.
Có một ngọn lửa hân hoan chào năm mới đang cháy lên.
Nguyễn Diệu Huyền
Các tin khác
K15C - Nguyễn Du, cái tên mà mỗi khi cất lên lại khơi dậy trong tôi biết bao xúc cảm, bao bâng khuâng. Nhiều lúc tôi cũng tự cất tiếng gọi nó trong lòng dù biết sẽ chẳng có hồi âm, sẽ chẳng có ai đáp lại vì giờ đây mỗi đứa đã bước đến những ngưỡng cửa mới, những con đường mới của riêng mình.
Đã có lần cô giáo dạy Giáo dục công dân của tôi mở bài bằng một câu hỏi rằng "Các em nghĩ như thế nào về cuộc sống?". Cô gọi một bạn cùng lớp đứng dậy và tiếp tục bằng câu hỏi: "Theo em, sống để làm gì, mục đích sống của em là gì?"
Rồi một ngày kia... ngày mà chị phải xa các em, ngày chị không còn là học sinh cấp hai nữa, ngày đó rồi cũng sẽ đến.