Báo ảnh với công chúng vùng cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/6/2015 | 3:38:12 PM
YênBái - YBĐT - Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách Việt Nam và 20 năm phát hành báo Yên Bái vùng cao, phóng viên (P.V) YBĐT có cuộc trò truyện với ông Nguyễn Thanh Vân - nguyên Tổng biên tập Báo Yên Bái, người khởi xướng và cho ra đời loại ấn phẩm này dành cho những người ít chữ, ít có thời gian đọc dài. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Báo Yên Bái vùng cao đến với độc giả người Dao xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên.
(Ảnh: Nguyễn Giang)
|
P.V: Xin ông cho biết ấn phẩm Yên Bái vùng cao được xuất bản trong điều kiện, hoàn cảnh như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Vân: Cách đây 20 năm, vào năm 1995, tình hình đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ta, nhất là ở vùng cao còn vô cùng khó khăn thiếu thốn. Ngày đó chưa ai có điện thoại di động, điện thoại để bàn mỗi cơ quan chỉ 2 máy gồm 1 máy chung đặt tại phòng thường trực và một máy ở phòng thủ trưởng, cũng chưa nơi nào có Internet, ti vi mới phủ sóng ở thị xã, thị trấn vùng thấp trong bán kính vài chục ki- lô- mét, điểm phát sóng cao nhất nước khi đó là cột truyền hình Tam Đảo chủ yếu phủ sóng được đồng bằng bắc bộ, chưa có sóng truyền hình từ vệ tinh.
Trong hoàn cảnh đó mới thấy đời sống văn hóa tinh thần ở vùng cao thiếu thốn, khó khăn đến nhường nào. Ti vi trở thành thứ xa xỉ cao siêu mà không mấy khi người nông dân chân lấm tay bùn ở những bản Mông, bản Dao, Tày, Thái vùng cao dám mơ ước. Hiếm hoi lắm mới có mỗi xã 1-2 máy Sam Sung đen trắng loại 14inch chạy bằng ắc quy hoặc thủy điện nước ở một vài hộ khá giả. Báo in thì chủ yếu mới đến cán bộ xã chứ người dân không làm gì có tiền mua báo và còn mải mưu sinh nên cũng không mấy người có thời giờ đọc báo. Nhưng không phải bà con không có nhu cầu đời sống tinh thần. Về cơ sở thấy người ta xin nhau, chia nhau từng tờ lịch có ảnh người hoặc phong cảnh đẹp đem về dán lên vách nhà, từ thực tế đó, lại được gợi ý bởi các báo đều có phụ bản như: Nhân dân có tờ Chủ nhật với nhiều bài hay ảnh đẹp bán cao hơn số thường kỳ, Tiền phong Chủ nhật cũng rất hấp dẫn.
Trong điều kiện tỉnh ta không thể ra tờ Yên Bái Chủ nhật mà tự hạch toán có lãi được mà nhu cầu và đối tượng bạn đọc lại khác. Từ thực tế đó chúng tôi đã đề xuất cho xuất bản ấn phẩm “Yên Bái vùng cao”, kết cấu hình thức như tờ tin ảnh, bài ngắn, ảnh đẹp, nội dung bao quát cả những vấn đề thời sự trong nước, trong tỉnh, những vấn đề liên quan đến vùng cao, các chính sách mới, điển hình tốt ở các nơi, đặc biệt là vùng cao và mục giới thiệu "Đất nước - con người Việt Nam" để mở rộng tầm nhìn cho bạn đọc. Báo nhằm mục tiêu vừa thông tin, tuyên truyền, vừa giải trí, vừa khai trí. Do điều kiện lúc đó kinh phí hạn hẹp, ảnh cũng rất ít (cả cơ quan chỉ có một máy ảnh Canon cho phóng viên chuyên ảnh, phổ biến còn phải dùng máy Pratika, Peltac, Zennhit vv…) nên mới phát hành mỗi tháng được 1 kỳ, gửi đến tất cả các thôn bản vùng cao.
Nếu tờ tin ảnh của Thông tấn xã Việt Nam chủ yếu đưa hình ảnh chung cả nước thì tờ Yên Bái vùng cao chủ yếu đưa hình ảnh con người Yên Bái, in màu khá đẹp nên đã nhanh chóng chiếm được tình cảm và sự mến mộ của bạn đọc. 20 năm đã qua tờ Yên Bái vùng cao vẫn còn tồn tại và phát triển, nay lại được dịch ra song ngữ Việt - Mông, điều đó cho thấy ấn phẩm này đã đáp ứng đúng nhu cầu của người đọc vùng cao, kể cả những người nhiều chữ hay trình độ còn hạn chế, người có thời gian đọc báo và những người bận rộn bởi mưu sinh đều yêu thích tờ báo này.
P.V: Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có ý kiến gì với những người làm báo Yên Bái vùng cao?
Ông Nguyễn Thanh Vân: Như phần đầu tôi đã nói, hoàn cảnh ra đời của tờ báo ảnh này do xuất phát từ nhu cầu đời sống đòi hỏi, nhất là đời sống văn hóa ở vùng cao, tuy bây giờ đã được cải thiện nhưng vẫn còn chênh lệch, thiếu thốn so với vùng thấp và đô thị. Nếu lý do ra đời của tờ báo là xuất phát từ nhu cầu của nhân dân vùng cao thì người làm tờ báo này phải luôn đặt mình ở vị trí người đọc là công chúng các dân tộc vùng cao Yên Bái xem họ cần gì, thích gì để đáp ứng cho đúng và trúng những nhu cầu đó. Để làm được điều này không có gì khác hơn là phải luôn gắn bó, sát với đời sống lao động thường nhật của đồng bào vùng cao để phát hiện, thông tin phản ánh kịp thời cuộc sống muôn mặt đang diễn ra rất khẩn trương, sôi động ở vùng cao trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Đến bây giờ các xã vùng cao đều có Internet, điện thoại di động, trình độ dân trí đã khác xa so với 20 năm về trước, bởi vậy những người làm báo Yên Bái vùng cao cũng phải nâng tầm tờ báo ảnh của mình sao cho đẹp, sinh động, sâu sắc và hấp dẫn mới theo kịp trình độ công chúng. Xã hội luôn vận động và phát triển, đứng lại, lặp lại lối mòn cũ là tụt hậu và tự đánh mất mình, chúng ta sẽ không còn được bạn đọc quý trọng, yêu mến nữa. Điều đó đòi hỏi người làm báo phải luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới, phải tự khắt khe với mình, đừng dễ dãi làm đại khái cho song thì những sản phẩm như thế sẽ không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Chúc các bạn thành công!
Phóng viên: Xin cảm ơn ông và chúc ông thật nhiều sức khỏe, luôn luôn quan tâm, đóng góp ý kiến cho sự phát triển của báo chí tỉnh nhà!
Cao Chính (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Tháng 5 năm 2015, báo Yên Bái vùng cao kỷ niệm tròn 20 năm ngày ra số đầu tiên. Trên tay tôi là tờ báo Yên Bái vùng cao số đầu có góp tên mình (tháng 5-1995), ghi rõ mấy lời ngắn gọn, súc tích tuyên bố sự ra đời ấn phẩm thứ 2 sau tờ báo Yên Bái thời sự truyền thống đã có trước đó 33 năm.
YBĐT - Ngày 13/4/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có Thông báo số 295-TB/TU về một số chủ trương, trong đó có nội dung: “Đồng ý cho Báo Yên Bái xuất bản tờ tin “Báo ảnh Yên Bái vùng cao” trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, có tác dụng thiết thực trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân vùng cao...”.
YBĐT - Năm 1995 tờ Yên Bái vùng cao ra đời là sự quan tâm lớn của tỉnh với đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Hơn thế ấn phẩm được cấp không thu tiền tới các đối tượng là trưởng thôn bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các trường học bán trú, dân tộc nội trú, thư viện, bưu điện văn hóa xã…
YBĐT - Về Báo Yên Bái công tác được vài năm thì cơ quan được Bộ Văn hóa -Thông tin và Tỉnh ủy cho phép xuất bản ấn phẩm Báo Yên Bái vùng cao dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tôi luôn tự hào vì cơ quan mình có ấn phẩm báo vùng cao và thường khoe với bạn bè đồng học sản phẩm của cơ quan mình.