Vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, dưới sự lãnh đạo và giúp đỡ của các cấp bộ đảng, chính quyền địa phương, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh Yên Bái.
Khi mới thành lập, địa điểm trường được đặt tại trung tâm xã Cảm Nhân, cơ sở vật chất thiếu thốn. Toàn trường có 7 giáo viên và 45 học sinh, thầy giáo Hoàng Thiện là Hiệu trưởng. Ra đời trong thời điểm chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, thầy và trò nhà trường vừa phải chuẩn bị các điều kiện an toàn trong thời chiến như đào hầm, hào tránh bom đạn, luyện tập quân sự chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học.
Hòa bình lập lại, đất nước được thống nhất, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng số lượng giáo viên và học sinh của trường ngày một tăng. Năm 1979, nhà trường được tiếp quản toàn bộ cơ sở vật chất của Trung đoàn 76 (chuyển đi do đã hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng). Năm 1982, thực hiện chủ trương quy hoạch của huyện, Trường PTTH số 2 Yên Bình được chuyển ra khu vực bến cảng thuộc thôn 10, xã Cảm Nhân.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường THPT Cảm Nhân không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Năm học 1992 - 1993, UBND tỉnh Yên Bái quyết định sáp nhập Trường PTTH số 2 Yên Bình và Trường THCS Cảm Nhân thành Trường Phổ thông liên cấp 2 - 3 Cảm Nhân, địa điểm tại thôn Làng Phạ, xã Cảm Nhân. Năm 2003, Trường Phổ thông liên cấp 2 - 3 Cảm Nhân được tách thành Trường THPT Cảm Nhân và Trường THCS Cảm Nhân.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm của ngành giáo dục, Trường THPT Cảm Nhân đã đạt nhiều thành tích đáng tự hào. Trong 50 năm, nhà trường đã đào tạo được gần 8.000 học sinh tốt nghiệp THPT. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, đặc biệt từ năm 2005 trở lại đây, tỷ lệ lên lớp trung bình đạt 99% trở lên, trong đó học sinh học lực khá, giỏi đạt từ 40% - 55%; học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98%; có hơn 50 học sinh đạt giải học sinh giỏi và giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và quốc gia; hơn 40 học sinh đạt huy chương trong các kỳ tổ chức Hội khỏe Phù Đổng.
Từ mái trường thân yêu nơi vùng Đông hồ này đã có nhiều học sinh trưởng thành, giữ cương vị lãnh đạo trong bộ máy của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; trở thành những doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp lớn cho xã hội.
Tiêu biểu như lớp các học sinh: Dương Văn Thống - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái; Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; Hoàng Văn Hoàn - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái; Đinh Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Yên Bái; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên…; hầu hết lãnh đạo và cán bộ, công chức các xã vùng Đông hồ là cựu học sinh của nhà trường.
Từ tranh, tre, nứa, lá ban đầu, với sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của nhà trường, đến nay Trường THPT Cảm Nhân đã có cơ sở vật chất tương đối khang trang với 18 phòng học xây dựng kiên cố, 5 phòng học bộ môn, 1 phòng thư viện. Đội ngũ giáo viên của nhà trường không ngừng tăng về số lượng và chất lượng với 46 người, trong đó 4 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ. Nhà trường có Chi bộ Đảng với 28 đảng viên.
Toàn trường có 18 lớp từ 750 - 850 học sinh. Nhiều năm liền, Trường THPT Cảm Nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là trường tiên tiến, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt, năm học 2016 - 2017, trường vinh dự được UBND tỉnh Yên Bái tặng cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua. Nhiều giáo viên nhà trường đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng bằng khen. Nhà trường có một nhà giáo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo ưu tú".
Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, thầy và trò Trường THPT Cảm Nhân tiếp tục thực hiện sáng tạo, hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục, như: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với Cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện "dạy chữ”, "dạy người” và định hướng nghề cho học sinh; duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi; học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đổi mới công tác quản lý theo hướng khoa học, hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tiếp tục xây dựng "Trường học hạnh phúc”, tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, góp phần xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".
Văn Tuấn