Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái (1982 - 2022) và đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái 40 năm tự hào tiếp bước

  • Cập nhật: Thứ bảy, 12/11/2022 | 7:35:45 AM

YênBái - 40 năm qua là quá trình phấn đấu liên tục không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh dưới sự lãnh đạo sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo qua các thời kỳ cùng sự ủng hộ, giúp đỡ tận tình của các bậc cha mẹ học sinh, nhà trường đã từng bước vượt qua khó khăn để khẳng định vị trí là trung tâm đào tạo chất lượng quan trọng trong hệ thống giáo dục dân tộc tỉnh nhà.

Một tiết học môn Hóa học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái.
Một tiết học môn Hóa học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI TRÀ, GIÁO DỤC MŨI NHỌN

Những năm qua, tập thể Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh không ngừng nỗ lực vượt khó, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, tăng cường và đổi mới hình thức thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh...

Cô Nguyễn Thị Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết: Hàng năm, nhà trường đã cập nhật, quán triệt các văn bản hướng dẫn, tổ chức cho các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên thực hiện dạy đúng, đủ các môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dạy học đảm bảo thời lượng theo chương trình khung giáo dục phổ thông hiện hành; chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên tăng cường bồi dưỡng chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. 

Đồng thời, nhà trường chú trọng giáo dục kỹ năng sống, chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao..., tạo môi trường sinh hoạt văn hóa, vui chơi bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập và tu dưỡng nhằm giáo dục toàn diện học sinh. Nhờ vậy, kết quả dạy và học của nhà trường đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ học sinh có học lực từ trung bình trở lên luôn đạt 100%; học sinh xếp loại giỏi tăng dần qua các năm (tăng từ 7,0% năm học 2016 -2017 lên 10,5% năm học 2020 - 2021). 

Riêng năm học 2021 - 2022, học sinh có hạnh kiểm khá, tốt đạt 99,8%; học lực trên trung bình đạt 100%, trong đó khá giỏi đạt 86,7%; có 30 học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 học sinh tham gia Đội tuyển Quốc gia; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%, điểm bình quân thi tốt nghiệp xếp thứ 2 toàn tỉnh; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và học nghề đạt trên 80%. 

Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên coi việc đào tạo học sinh năng khiếu là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác giáo dục toàn diện. Hàng năm, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục cho các đối tượng học sinh có năng khiếu. Đối với học sinh có năng khiếu trong các môn học, nhà trường chỉ đạo giáo viên căn cứ kết quả đánh giá, kiểm tra, theo dõi quá trình học tập để lựa chọn, động viên học sinh có khả năng theo từng môn học để bồi dưỡng học sinh giỏi; lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy, có kế hoạch tạo nguồn sớm từ học kỳ 2 của năm học trước. 

Đối với học sinh có năng khiếu khác, thông qua các câu lạc bộ để phân công các bộ phận liên quan phụ trách, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tham gia để rèn luyện, bồi dưỡng phát triển năng khiếu như: câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tiếng Anh… Các giáo viên cũng đã có nhiều nỗ lực trong dạy học và tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. 

Cô Nguyễn Quỳnh Thu - giáo viên bộ môn Ngữ Văn của trường chia sẻ: "Từ việc ôn luyện cho các em, chúng tôi cũng tự củng cố nâng cao kiến thức chuyên môn cho bản thân. Trong quá trình giảng dạy, luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp để khơi gợi, giúp học sinh phát huy được những tố chất văn học của mình từ đó nỗ lực, cố gắng để đạt nhiều thành tích cao trong học tập”. 

Với tâm huyết của đội ngũ nhà giáo và sự nỗ lực vượt khó trong học tập và rèn luyện của học sinh, hàng năm nhà trường đều có học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, cơ cấu môn học sinh tham gia thi tăng lên; có học sinh tham gia thi và đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật, các hội thi văn nghệ, thể dục thể thao… cấp tỉnh. 

Từ năm học 2016 - 2017 đến nay, nhà trường có 164 lượt học sinh đạt giải thi học sinh giỏi các cấp, trong đó có 162 giải cấp tỉnh, 2 giải cấp quốc gia và 14 học sinh đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; đã có nhiều học sinh đạt giải trong các cuộc thi: Hội thao giáo dục quốc phòng, văn hóa văn nghệ, Hội khỏe Phù Đổng của ngành giáo dục và của tỉnh tổ chức.

Phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, tập thể sư phạm nhà trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý nâng cao chất lượng giáo dục, phương pháp dạy học, chất lượng học sinh giỏi các cấp; giáo dục toàn diện nhân cách cho học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn… xứng đáng là nơi được giao sứ mệnh cao cả trong công tác đào tạo thế hệ mầm cho các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

TỰ HÀO TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG










TĂNG CƯỜNG  GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH

Là ngôi trường tập trung học sinh dân tộc nhiều nhất của tỉnh, văn hóa, năng lực, kỹ năng của các em có sự khác nhau. Bởi vậy, để các em hòa đồng, ý thức và tự giác trong môi trường học tập mới, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chú trọng quan tâm rèn luyện kỹ năng sống, giúp cho các em chủ động và tự tin trên con đường lập nghiệp cũng như bước tiếp vào môi trường học tập chuyên nghiệp.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết: "Với đặc thù là trường chuyên biệt, học sinh học tập và sinh hoạt tại trường 24/24 giờ, bởi vậy việc giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh, nhất là các em khối 10 mới tuyển sinh vào học năm đầu là việc làm rất cần thiết. Khi học sinh có được các kỹ năng cơ bản thì việc tổ chức dạy học và vận dụng phương pháp dạy học tích cực cũng thuận lợi”. 


Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh tham gia thi cắm hoa nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. 

Nhận thức được vấn đề đó, bám sát sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các tổ chức đoàn thể nhà trường luôn chú trọng, tổ chức rèn kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động của các câu lạc bộ; tổ chức Phong trào thi đua "Phòng ở kiểu mẫu”, nhất là các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo kế hoạch, phù hợp với đặc thù của nhà trường. 

Hàng năm, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh tham gia các hoạt động ở nội trú như thực hiện nội quy của ký túc xá, cách vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, trồng rau, vệ sinh môi trường, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. 

Cùng với các giờ học chính khóa, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức phong phú. 

Qua các hoạt động, các trò chơi giúp các em tăng thêm vốn hiểu biết, rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày; tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh theo mùa, giáo dục giới tính, tổ chức các hội diễn văn nghệ trong các ngày lễ lớn. 

Để tạo điều kiện cho học sinh được phát triển năng khiếu và sở thích cá nhân, nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ nghệ thuật, thể dục thể thao thu hút các em tham gia, tạo mối đoàn kết gắn bó và rèn luyện sức khỏe cho các em. 

Đặc biệt, để giúp các em biết trân trọng, phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc, nhà trường khuyến khích giáo viên, nhân viên học tiếng dân tộc để giao lưu, giao tiếp với học sinh; mời nghệ nhân đến trường hướng dẫn học sinh các bài đồng dao, dân ca, các trò chơi dân gian, tổ chức ngày tết truyền thống theo hình thức mô phỏng; đặc biệt, thứ 2 hàng tuần học sinh mặc trang phục dân tộc. 

Trong các chương trình văn nghệ, ưu tiên các tiết mục mang âm hưởng dân gian, tái hiện các lễ hội văn hóa các dân tộc, vừa để giữ gìn phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống vừa để quảng bá văn hóa của dân tộc mình. 

Không bó hẹp trong phạm vi các bài giảng trên lớp, nhà trường đã tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống, kỹ năng làm việc theo nhóm. 

Một điều đặc biệt, trong các hoạt động ngoại khóa, giáo viên trao quyền chủ động cho học sinh thực hiện một cách sáng tạo, nhờ đó các em vượt qua những hạn chế như tự ti, mặc cảm, ngại nói, ngại tiếp xúc, nhất là thụ động trong học tập… 

Các tổ chức đoàn thể nhà trường đã hướng dẫn các em xây dựng thời gian biểu khoa học để phát huy tốt quỹ thời gian, hướng dẫn làm quen với phương pháp tự học, cách đọc, cách ghi chép, đặc biệt tổ chức, quản lý tốt giờ tự học giúp học sinh nâng cao tính tự giác, tích cực, chủ động học tập. 

Nhà trường còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao; vệ sinh khuôn viên, trường lớp; tổ chức cho học sinh tham gia nấu ăn tại bếp tập thể; xây dựng mô hình Câu lạc bộ Nghệ thuật và Văn hóa dân tộc, Câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ nhảy hiện đại... Qua đó, giúp các em tự tin, mạnh dạn hòa đồng với các hoạt động chung của trường, lớp. 

Sự nỗ lực của các tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường hàng năm. Riêng năm học 2021 - 2022, về kết quả giáo dục toàn diện, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh có 99,8% học sinh của trường đạt hạnh kiểm khá tốt; tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 86,7 %; trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhà trường tiếp tục duy trì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% với điểm trung bình các môn thi đạt 7,13 điểm, cũng là năm thứ 3 liên tiếp nhà trường được xếp đứng thứ 2 toàn tỉnh, sau Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Với bề dày 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh thực sự là địa chỉ tin cậy trong công tác giáo dục, đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc cho tỉnh.

CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, QUẢN LÝ HỌC SINH

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái là trường có đặc thù riêng, học sinh đều là con em các dân tộc ít người đến từ các thôn, bản, xã vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong tỉnh với 100% học sinh ở nội trú, mọi sinh hoạt, ăn nghỉ, học tập 24/24 giờ tại trường. Do đó, công tác chăm sóc và quản lý học sinh luôn được nhà trường chú trọng và nâng cao. 

Do môi trường đặc thù nên công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục học sinh luôn được Ban Giám hiệu nhà trường và Tổ Giáo vụ và Quản lý học sinh quan tâm để đảm bảo phát triển toàn diện cho các em học sinh. 

Thầy  giáo Nguyễn Thống Nhất - Tổ trưởng Tổ Giáo dục và Quản lý học sinh cho biết: "Năm học 2022 - 2023, trường có trên 420 học sinh, khu ký túc nhà  trường có 54 phòng ở khép kín. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có nhiều biện pháp để quản lý học sinh an toàn và hiệu quả như: xây dựng nội quy học sinh, nội quy ký túc xá để quản lý học sinh trong nhà trường và sinh hoạt tại ký túc xá; quy định thời gian biểu hàng ngày của học sinh; phân công giáo viên trực quản sinh buổi chiều và buổi tối; thành lập đội tự quản có nhiệm vụ quản lý, đôn đốc nhắc nhở học sinh trong thực hiện nội quy nhà trường, nội quy ký túc xá, theo dõi, quản lý học sinh ra ngoài trường…”. 


Cán bộ y tế Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh hướng dẫn, giáo dục chăm sóc sức khoẻ giới tính cho các em học sinh. 

Với mục đích xây dựng ký túc xá "Sạch - Đẹp - Thân thiện”, phát huy lối sống văn minh trong học sinh và xây dựng hình ảnh học sinh trong thời đại mới; nâng cao tinh thần làm chủ, tự quản cho học sinh trong học tập, rèn luyện và xây dựng phòng ở sạch, đẹp, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường..., trong mỗi năm học, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh đều tổ chức Cuộc thi "Phòng ở kiểu mẫu” theo các đợt thi đua. 

Cùng với đó, giáo viên nhà trường ngoài nhiệm vụ giảng dạy luôn gần gũi, thân thiện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh để kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, giúp các em yên tâm học tập. 100% học sinh nhà trường được giáo dục các kỹ năng sống như: tạo tính tự lập, giao tiếp, vệ sinh cá nhân, phòng ngừa đuối nước, bạo lực học đường, buôn bán người, các tệ nạn xã hội… thông qua các hoạt động tập thể. Trong công tác y tế học đường, 100% học sinh được tuyên truyền và hướng dẫn, phòng ngừa các loại bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa; được chăm sóc sức khỏe, khám bệnh thường xuyên. Đầu năm học 2022 - 2023, em Hoàng Thanh Huyền lớp 10C1 không may bị ngã gẫy tay, em Huyền đã được thầy, cô quản sinh, cán bộ y tế nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm kịp thời đưa vào viện. 

Em Huyền chia sẻ: "Trong thời gian tay em phải bó bột, em vẫn đi học và ở lại tại ký túc xá của trường. Ở đây, em đã nhận được tình cảm chân thành, sự động viên, chăm sóc tận tình của thầy cô, bạn bè. Em rất cảm ơn thầy cô trong trường đã luôn bên cạnh giúp đỡ em trong thời gian qua”.

Cùng với đó, để đảm bảo sức khỏe cho từng học sinh, nhà trường đã quan tâm, lựa chọn và hợp đồng với nhà cung ứng thực phẩm có uy tín, chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giữ gìn, bảo quản tốt lương thực, thực phẩm theo quy định; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch bệnh lây truyền qua đường ăn uống.

Tổ chức nuôi dưỡng khoa học, cho học sinh ăn đúng giờ, 3 bữa/ngày. Thực phẩm được chế biến đảm bảo chất lượng, hàng ngày lưu mẫu thức ăn theo quy định của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc xây dựng thực đơn ăn hàng ngày đảm bảo chất dinh dưỡng, phù hợp theo mùa, khẩu vị của học sinh. Theo đó, chất lượng các bữa ăn ngày một nâng lên, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển.

Văn Thông - A Mua - Thanh Tân - Hồng Duyên

Tags Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái kỷ niệm thành lập Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia

Các tin khác
Aptis - Chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh vừa được Bộ GDĐT cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.

Aptis - Chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh vừa được Bộ GDĐT cấp phép liên kết tổ chức thi sau khi thực hiện Thông tư 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT.

Giờ học môn Tin học của học sinh Trường Tiểu học Ngô Tất Tố (Đông Anh, Hà Nội).

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học là môn học bắt buộc từ năm học 2022-2023 cho học sinh (HS) lớp 3. Điều này đặt ra thách thức về việc tuyển giáo viên (GV) cho môn học này.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng hoa chúc mừng nhà trường tại Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021.

40 năm qua là quá trình phấn đấu liên tục không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh. Nhà trường đã từng bước vượt qua khó khăn để khẳng định vị trí là trung tâm đào tạo chất lượng quan trọng trong hệ thống giáo dục dân tộc tỉnh nhà, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Học sinh Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh Yên Bái chăm sóc vườn rau, tạo nguồn thực phẩm phục vụ cho bữa ăn nội trú.

40 năm qua là quá trình phấn đấu liên tục không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh Yên Bái đã từng bước vượt qua khó khăn để khẳng định vị trí là trung tâm đào tạo chất lượng trong hệ thống giáo dục dân tộc tỉnh nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục