Để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia một cách toàn diện cần rất nhiều yếu tố, trong đó, ngành giáo dục và đào tạo đảm nhiệm hai yếu tố là vấn đề tài năng và hình thành văn hóa khởi nghiệp.
Hiện nay, khởi nghiệp không còn là vấn đề xa lạ đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Thông qua việc thúc đẩy và phát huy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên sẽ giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm để biến ý tưởng thành hiện thực.
Thực hiện Quyết định số 1665 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Chương trình
Tọa đàm truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo dành cho học sinh THPT được Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Phenikaa tổ chức vừa qua là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái triển khai theo Đề án 1665 về "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, hình thành và hiện thực hoá các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Em Hoàng Minh Hiệp - lớp 12A4, Trường THPT Hoàng Quốc Việt, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tham gia Chương trình khởi nghiệp, em thấy rất bổ ích. Đây là năm cuối THPT, em cũng đang phân vân về việc lựa chọn nghề nghiệp nên qua Chương trình, em có thể tìm được hướng đi cho bản thân”.
Tọa đàm cũng chính là cơ hội để các diễn giả là doanh nhân đã và đang tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp hiểu rõ vai trò của phát triển tinh thần khởi nghiệp ở bậc giáo dục phổ thông. Qua đó, các diễn giả sẽ đi bàn sâu về thực trạng giáo dục khởi nghiệp tại các nhà trường, lắng nghe những chia sẻ, mong muốn của giáo viên, học sinh về phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp trong trường phổ thông.
Ông Lê Anh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho rằng: "Khởi nghiệp là vấn đề quan trọng, vì vậy mỗi học sinh, sinh viên cần sớm định hướng về việc phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Tập đoàn sẽ luôn đồng hành, truyền cảm hứng cho các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân”.
Ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD&ĐT cho biết: "Khởi nghiệp là một trong những vấn đề hiện nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong giáo dục. Thời gian qua, khởi nghiệp ở một góc độ nào đó rất xa rời với thực tiễn, không thiết thực. Vì vậy, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chúng ta quan tâm đến kiến thức thực tế, kỹ năng phân luồng hướng nghiệp trong giáo dục. Năm 2017, Chính phủ ban hành Quyết định 1665 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Điều đó giúp cho ngay từ học phổ thông, các em đã có kiến thức về khởi nghiệp, từ đó các em có thể căn cứ vào năng lực của bản thân, chọn hướng đi phù hợp cho mình”.
Là đơn vị dẫn đầu trong bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái luôn quan tâm đến việc tạo điều kiện giúp học sinh trong nhà trường phát huy sáng tạo trong việc nghiên cứu khoa học, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp.
"Nhà trường thường xuyên đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp lồng ghép vào các chương trình dạy và học, tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, các chương trình tọa đàm, các buổi tuyên truyền với mục tiêu giúp các em được gặp gỡ, chia sẻ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp để từ đó có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn trong tương lai” - cô giáo Nguyễn Thị Thu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho hay.
Với vai trò đầu ngành, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinh phổ thông để các em có nền tảng căn bản cho khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp THPT; triển khai nội dung dạy học gắn liền với sản xuất kinh doanh tại địa phương ở một số môn học như: Địa lý, công nghệ, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… Các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc các hoạt động sản xuất, kinh doanh để định hướng và tích lũy kinh nghiệm khởi nghiệp.
Hàng năm, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trường đại học, cao đẳng tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, việc làm cho học sinh trong các trường phổ thông… tổ chức các cuộc thi để các em từng bước khởi nghiệp. 2 năm qua đã có trên 800 ý tưởng của học sinh phổ thông toàn tỉnh tham gia dự thi, đã có 5 ý tưởng, dự án đạt giải cao của Trung ương. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc khơi dậy ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần khơi dậy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định như: hệ sinh thái khởi nghiệp chưa phát triển, chưa thu hút được nhiều học sinh tham gia; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với học sinh vẫn còn nhiều khó khăn; công tác hỗ trợ khởi nghiệp tại một số cơ sở giáo dục chưa được chú trọng; việc phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các địa phương trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp chưa thường xuyên…
Do vậy, thời gian tới để lan tỏa hơn nữa tinh thần, khơi dậy những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành GD&ĐT trong việc đưa ra những phương án, giải pháp để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và khởi tạo những ý tưởng ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Minh Huyền