P.V: Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm và kết quả đạt được trong việc xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn thành phố trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Trường Giang: Thực hiện Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 31/7/2021 của UBND thành phố Yên Bái về việc triển khai thực hiện Mô hình "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, hằng năm phòng GD&ĐT thành phố đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn triển khai các giải pháp thực hiện xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc”.
Đây cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với kế hoạch phát triển giáo dục của các nhà trường, góp phần xây dựng thành phố theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đơn vị cũng đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp về xây dựng mô hình; chỉ đạo 100% các đơn vị trường học tham gia xây dựng mô hình; các trường thành lập ban chỉ đạo xây dựng "Trường học hạnh phúc” phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; lồng ghép các nội dung xây dựng trường học hạnh phúc vào các hoạt động của nhà trường.
Các trường quan tâm tổ chức sinh hoạt chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng ứng xử với cha mẹ học sinh và học sinh trong các tình huống sư phạm; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử có văn hóa trong trường học; lồng ghép nội dung xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” vào các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Các trường tiếp tục thực hiện phong trào "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; tổ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua "Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn”, "Lớp học thân thiện”, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào văn nghệ - thể dục thể thao, hoạt động giáo dục kỹ năng, giáo dục thông qua các sự kiện, tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ nhằm tạo không khí gần gũi, vui tươi, giảm áp lực học tập giúp học sinh yêu trường yêu lớp hơn.
Đến hết năm học 2022-2023, thành phố có 40/45 trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn "Trường học hạnh phúc” theo Quyết định số 334/QĐ-SGDDT, ngày 31/7/2013. Đã có nhiều đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện mô hình như: Trường Mầm non Bông Sen, Mầm non Yên Ninh, Mầm non Nguyễn Phúc, Tiểu học Kim Đồng, Tiểu học Nguyễn Thái Học, Tiểu học Yên Thịnh, THCS Lê Hồng Phong, THCS Nguyễn Du, THCS Yên Thịnh...
Năm 2021, thành phố đã tổ chức Hội thi xây dựng video về "Tuyên truyền mô hình trường học hạnh phúc” cấp thành phố, Trường THCS Yên Ninh đã giành giải nhất, được chọn tham gia Hội thi "Tuyên truyền mô hình trường học hạnh phúc” dành cho học sinh THCS, THPT cấp tỉnh năm 2021 và đã giành giải Nhất.
P.V: Trong quá trình xây dựng Mô hình "Trường học hạnh phúc” thành phố còn gặp những khó khăn vướng mắc gì và Phòng có giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" trên địa bàn, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Giang: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: có học sinh chưa được phát huy hết năng khiếu về mỹ thuật, âm nhạc, thể thao... do cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng, chưa có giáo viên, nhân viên hướng dẫn chuyên sâu.
Kinh phí hoạt động của các nhà trường còn hạn chế; cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu so với biên chế giao, bên cạnh đó một số giáo viên chưa chủ động, sáng tạo trong đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động, tình huống sư phạm đôi lúc còn lúng túng, chưa mạnh dạn đề xuất ý kiến trong các hoạt động chuyên môn và ngoại khóa.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” trên địa bàn, Phòng GD&ĐT thành phố tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng "Trường học thân thiện - học sinh tích cực”, từng bước hoàn thiện xây dựng "Trường học hạnh phúc” theo từng tiêu chí cụ thể và tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện nhà trường.
Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia xây dựng "Trường học hạnh phúc” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày; đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học, tạo bước chuyển biến mới về nâng cao chất lượng giáo dục; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cần thay đổi tích cực trong hành vi ứng xử, trong quản trị cảm xúc khi tiếp xúc với đồng nghiệp, với cha mẹ học sinh, với học sinh tạo môi trường học đường yêu thương, an toàn, tôn trọng.
Triển khai phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc” một cách thiết thực, hạn chế tính hình thức, chú ý lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành, trọng tâm là Cuộc vận động "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; Phong trào "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”...
Đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền để tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của ngành và quy tắc ứng xử trong trường học; nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới,... gắn với từng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị một cách cụ thể…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hiền (Thực hiện)