Những năm qua, ngành GD&ĐT đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực GD&ĐT, nhất là những nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, các đề án và các chính sách của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Đến nay, mạng lưới, quy mô trường, lớp học được rà soát, sắp xếp hợp lý, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phù hợp với thực tiễn. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại. Ngân sách chi cho GD&ĐT tăng lên so với nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước chiếm 27,8% tổng chi ngân sách toàn tỉnh, nhiệm kỳ này tăng lên 31,8%, riêng năm 2023 chiếm 33%, trong số đó, chi cho đầu tư chiếm gần 20%).
Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 89,6%; toàn tỉnh có 326 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 73,8% (tăng 8,7% so với năm học trước, trong đó có 56 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II); theo các đề án của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn 100%.
Các chính sách của tỉnh hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục được thực hiện có hiệu quả (tính riêng kinh phí hỗ trợ cho nhân viên dinh dưỡng và học sinh là gần 46 tỷ đồng). Chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những thay đổi mạnh mẽ, tích cực, duy trì hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và bán trú. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên với những thành tích đáng phấn khởi.
Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Yên Bái đứng thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành. Kết quả tốt nghiệp THPT đạt 98,87%, với điểm trung bình đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng.
Năm 2022, Yên Bái là tỉnh thứ 24 trong toàn quốc được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III và là tỉnh thứ 18 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn
phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Mô hình
"Trường học hạnh phúc” được nhân rộng với 3 giá trị cốt lõi là "yêu thương, an toàn, tôn trọng”. Đến nay, toàn tỉnh có 296 trường được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc” (chiếm 66,9% tổng số trường, vượt 16,9% so với chỉ tiêu kế hoạch)…
Sự quan tâm đầu tư cho giáo dục là chiến lược hoàn toàn đúng đắn bởi vì muốn có phát triển kinh tế - xã hội phải là phát triển con người. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho thượng tầng kiến trúc - đó là điều đúng đắn mà Yên Bái đã thực hiện thông qua việc ban hành những chính sách nhân văn cho giáo dục thời gian qua.
Hàng năm, HĐND tỉnh đều xem xét điều chỉnh hoặc ban hành các chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường PTDTBT; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú có trên 150 học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú; hỗ trợ tiền ăn và mua gạo cho học sinh bán trú thôi hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP kể từ thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2023 - 2025 cho đến hết năm học đang thực hiện; hỗ trợ kinh phí để tổ chức nấu ăn tập trung đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú thôi hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023 - 2025;
Hỗ trợ đối với chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, giáo viên không thuộc biên chế của tỉnh Yên Bái được mời tham gia bồi dưỡng đội tuyển tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ tiền ăn và gạo, kinh phí nấu ăn cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa ở tập trung cả tuần tại trường thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn sau năm học xã được công nhận đạt chuẩn NTM…
Với các chính sách hỗ trợ này chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục sẽ được nâng lên, tạo điều kiện học sinh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đến trường, tiếp cận giáo dục, giảm bớt khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi.
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục đặc thù của các trường PTDTBT sẽ được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ra lớp; chất lượng giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện.
Công tác bồi dưỡng đội tuyển tham gia các kỳ thi học sinh giỏi được quan tâm, đầu tư nhiều hơn sẽ nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; giáo viên tiếng Anh có thêm cơ hội tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập để đạt chứng chỉ quốc tế; giáo viên dạy các môn khác được bổ sung năng lực sử dụng ngoại ngữ áp dụng vào các tiết dạy sử dụng tiếng Anh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã bố trí kinh phí 1.543 tỷ đồng để triển khai các đề án, dự án, giải ngân 1.021 tỷ đồng (đạt 66,2%) và hiện đang triển khai rất hiệu quả.
Đặc biệt, Yên Bái còn có chính sách chuyển vùng cho giáo viên theo nguyện vọng từ vùng khó về vùng thuận lợi. Đây là chính sách rất nhân văn khi mà toàn tỉnh có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành giáo dục. Đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên; rất nhiều người đã tình nguyện cống hiến và dành trọn những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thanh xuân với giáo dục vùng cao.
Chính sách thực sự là nguồn động viên vô cùng quý giá cho những giáo viên đang công tác tại vùng khó khăn của tỉnh tiếp tục cống hiến, động viên thầy cô gắn bó với sự nghiệp trồng người của tỉnh.
Những chính sách giáo dục nhân văn đã thể hiện rõ quan điểm của Yên Bái là tập trung cho lĩnh vực giáo dục nói chung và đào tạo nguồn nhân lực nói riêng là sự chuẩn bị nguồn lực lâu dài cho sự phát triển của Yên Bái.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định phải tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT. Một trong ba khâu đột phá đó là: phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục đã tạo ra một nền tảng vững chắc để Yên Bái bứt tốc trong thời gian tiếp theo nhờ có được một nguồn lực tại chỗ đáng tin cậy.
Thanh Ba