Lý do Bộ Giáo dục- Đào tạo khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, không quá 20%

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/11/2024 | 10:07:06 AM

Quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo vừa được Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra tại dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non đang nhận được sự quan tâm của các trường và phụ huynh, học sinh.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024.

Trao đổi với phóng viên báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay.

Thứ nhất là việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.

Thứ hai, năm 2025 là năm đầu tiên các học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xét tuyển đại học. Vì vậy, cần đổi mới quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông.

Theo đó, những điểm mới cốt lõi gồm điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành sư phạm, sức khoẻ; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng kí dự tuyển cũng không thay đổi, tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm?

Tại sao học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập, trong khi Bộ GD&ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn toàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường?

"Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5-6 năm trở lại đây) một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó", bà Thủy nói.

Một số người lo ngại về việc quy định này ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường đại học, bà Thủy cho rằng, Bộ GD&ĐT đưa ra các quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Luật Giáo dục đại học giao Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh là công cụ quản lí nhà nước để điều chỉnh việc này.

(Theo TPO)

Các tin khác
Cuộc thi Chữ đẹp Việt lần thứ 2 có chủ đề

Cuộc thi “Chữ đẹp Việt” lần thứ 2 đã chính thức được phát động. Đây là sân chơi dành cho học sinh tiểu học trên cả nước, nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một giờ học vui nhộn của cô Trần Thị Ngọc và học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.

Những năm gần đây, Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã trở thành một trong những nét nổi bật trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái. Cuộc vận động này không chỉ khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn mà còn tạo ra môi trường học tập tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Bộ GD-ĐT dự kiến quy định xét tuyển học bạ từ 2025 không được vượt quá 20% chỉ tiêu

Ngày 22-11, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó, có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục