Trong bối cảnh nhiều xã vùng II, vùng III ở Yên Bái đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), một thách thức lớn đã xuất hiện, đó là học sinh không còn được hưởng chế độ bán trú từ Nhà nước. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho việc duy trì sĩ số học sinh và chất lượng giáo dục. Để giải quyết tình trạng này, mô hình bán trú dân nuôi đã được khởi động lại, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình và cộng đồng.
Sáng thứ 2 đầu tuần, em Bàn Thùy Linh - lớp 5C, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Búng ở thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn được bố đưa tới trường với 2 kg gạo và 6.000 đồng trên tay - đây là mức đóng góp của em cho 1 tuần học bán trú dân nuôi tại trường. Nhà cách trường 13 km, năm học trước, Linh được hưởng chế độ bán trú. Nhưng năm học này, em cùng 132 bạn khác trong trường thôi hưởng chế độ bán trú do xã Nậm Búng đã đạt chuẩn NTM vào tháng 1/2024.
Với mức đóng góp này, tất cả các phụ huynh đều nhất trí cao, 132 học sinh chịu tác động đi học chuyên cần. Để có được mức đóng góp này, nhà trường đã kết nối với Quỹ "Trò nghèo vùng cao” cho mỗi em học sinh thôi hưởng bán trú được 20.000 đồng/ngày. Nhà trường đã tổ chức tốt bán trú dân nuôi cho 132 em học sinh thôi hưởng chế độ bán trú với mức chi là 21.500 đồng/ngày. Trong đó, học sinh đóng góp 1.500 đồng/ngày chi cho chất đốt, còn lại xin hỗ trợ từ Quỹ "Trò nghèo vùng cao” để mua thức ăn. Mỗi tuần các em đóng góp 2 kg gạo ăn 4 ngày, còn bữa sáng thứ Sáu ăn mì tôm, bánh sữa được các tổ chức, cá nhân ủng hộ; việc nuôi dưỡng, trông coi được các thầy cô hỗ trợ; tiền điện, nước thì nhà trường hỗ trợ.
Cô giáo Phạm Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Các hộ gia đình ở xã vẫn còn hạn chế về kinh tế nên việc đóng góp chia nhỏ theo tuần dù các cô vất vả hơn khi thu nhưng giúp các gia đình giảm bớt được gánh nặng; gạo đóng góp sẽ được phân loại, nhập kho và tổ chức nấu ăn theo định lượng cho học sinh”.
Mức đóng góp này không nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn, giúp các con tới trường có thêm bữa ăn đầy đủ, đảm bảo sức khỏe để học tập. Bắt đầu từ những cân gạo và vài nghìn đồng, sự thay đổi nhận thức của người dân đã tạo cơ sở để ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có thể tái khởi động mô hình bán trú dân nuôi. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành GD&ĐT mà còn có sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả cộng đồng.
Trường Tiểu học Lâm Giang, huyện Văn Yên là một trong những trường học đầu tiên của tỉnh Yên Bái có học sinh thôi hưởng chế độ bán trú của Nhà nước. Những ngày đầu khó khăn ấy mãi không thể quên đối với thầy Nguyễn Trọng Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường.
Thầy Hiệp nhớ lại: "Lúc đầu, phụ huynh chưa đồng thuận, nhiều người cực đoan đến mức họ bảo cho con nghỉ học. Thầy cô tối đêm lọ mọ tới từng nhà để tuyên truyền, vận động. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị xã hội trong xã đã hỗ trợ rất nhiều. Dần dần, phụ huynh thay đổi nhận thức, không còn cho rằng việc học của con em mình là của Nhà nước, của trường học nữa”.
Năm 2021, Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, không để ảnh hưởng tới tỷ lệ chuyên cần, chất lượng giáo dục, cấp ủy, chính quyền và nhà trường đã có nhiều giải pháp thống nhất duy trì ở bán trú cho học sinh nhà xa, giao thông đi lại khó khăn với sự hỗ trợ cán bộ, đảng viên trong xã cùng các đoàn thể và sự đóng góp của phụ huynh học sinh.
Sau 3 năm thực hiện, mô hình bán trú dân nuôi đã thực sự hiệu quả, việc duy trì tỷ lệ chuyên cần không bị gián đoạn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Hiện nay, nhà trường duy trì bán trú dân nuôi cho 22 học sinh nhà xa nhất của thôn Khay Dạo với mức đóng góp là 120.000 đến 150.000 đồng/học sinh/tháng. Mức đóng góp này với gia đình học sinh ở Lâm Giang là phù hợp.
Công cuộc xây dựng NTM tại Yên Bái đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Điều này đã dần thay đổi bức tranh các vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái. Trước khi các xã đạt chuẩn NTM, học sinh được hưởng chế độ bán trú từ Nhà nước, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Tuy nhiên, sau khi đạt chuẩn, chế độ này đã bị ngừng, khiến cho nhiều học sinh phải đối mặt với nguy cơ bỏ học, do không có điều kiện đi lại và sinh hoạt hợp lý. Việc ngừng hưởng chế độ bán trú có nguy cơ đã dẫn đến tình trạng giảm sĩ số học sinh tại nhiều trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn tác động tiêu cực đến tương lai của các em, chất lượng nguồn nhân lực. Và mô hình bán trú dân nuôi tái khởi động là giải pháp hiệu quả.
Một trong những điểm nổi bật của mô hình bán trú dân nuôi chính là sự tham gia tích cực của cộng đồng. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các tổ chức xã hội và gia đình để huy động nguồn lực, từ thực phẩm đến kinh phí duy trì hoạt động của trường. Sự đoàn kết của cộng đồng đã tạo ra một mô hình giáo dục bền vững, không chỉ giúp học sinh mà còn góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục.
Mô hình bán trú dân nuôi NTM kế thừa từ mô hình bán trú được Nhà nước hỗ trợ và tinh thần vượt khó vươn lên của mô hình bán trú dân nuôi những năm 60 của thế kỷ trước. Chính là giải pháp hiệu quả và lâu dài cho giáo dục vùng cao. Học sinh được tiếp cận với chương trình giáo dục toàn diện hơn, được tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ đó phát triển kỹ năng sống và nâng cao khả năng tự lập.
Các em không chỉ học kiến thức mà còn hình thành những giá trị văn hóa và tinh thần đoàn kết. Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú hơn, từ đó khuyến khích sự sáng tạo và tư duy của học sinh. Học sinh có thể tiếp cận với nhiều kiến thức mới mẻ và hiện đại hơn.
Cùng với đó, được trải nghiệm cuộc sống tập thể, học cách sống tự lập và xây dựng tình bạn. Điều này giúp các em phát triển cả về mặt tinh thần lẫn thể chất. Với những ưu việt đó, mô hình đã thực sự đem lại sự thay đổi tiến bộ rất lớn của giáo dục vùng cao Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Chất lượng giáo dục vùng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng lên góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cô giáo Phạm Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Búng chia sẻ: "Ngoài chế độ hỗ trợ của HĐND tỉnh, chúng tôi cũng xã hội hóa thêm và nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, ban, ngành, các mạnh thường quân chung tay cùng nhà trường. Cùng với những đóng góp từ phía gia đình học sinh sẽ dần thay đổi được tư duy nhận thức của người dân về giáo dục, chủ động và tích cực tham gia vào công tác giáo dục tại địa phương mà cụ thể là việc học của chính con em họ”.
Ba năm qua, tỉnh Yên Bái đã kịp thời ban hành Chính sách hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành NTM trên địa bàn tỉnh thông qua Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND ngày 8/3/2023 của HĐND tỉnh, cùng nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, các địa phương, các đơn vị trường học đều có sự chủ động, dự báo những khó khăn, nên sự chủ động mà ngành GD&ĐT, các địa phương, các đơn vị nhà trường đang tích cực triển khai là thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, để mô hình bán trú dân nuôi thực sự phát huy hiệu quả, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của giáo dục. Các gia đình cần thấy rõ lợi ích của việc cho con em theo học và hỗ trợ tích cực cho hoạt động của trường.
Mô hình bán trú dân nuôi tại Yên Bái đã chứng minh được hiệu quả trong việc duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Đây không chỉ là một giải pháp tạm thời mà cần được duy trì và phát triển bền vững để chắp cánh ước mơ cho thế hệ trẻ vùng cao. Sự đồng hành của chính quyền, gia đình và cộng đồng sẽ là nền tảng vững chắc để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho các em học sinh.
Xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, mô hình bán trú dân nuôi đã giúp xây dựng biết bao thế hệ cán bộ cho vùng Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng. Bán trú dân nuôi của thời điểm đó khó khăn gấp bội với bán trú dân nuôi của NTM bởi hệ thống trường lớp học, nhà ở, công trình vệ sinh, bếp ăn đã được đầu tư khang trang chứ không phải tranh tre, vách nứa. Các em được ăn, ở và học tập tại trường, với sự chăm sóc của giáo viên và nhân viên nhà trường. Mô hình này không chỉ giúp học sinh vượt qua khó khăn trong việc di chuyển mà còn tạo ra một môi trường học tập an toàn và thân thiện. |
Thanh Ba