Đưa văn hóa trà vào trường học

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/5/2025 | 6:44:08 AM

YênBái - Những năm gần đây, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người yêu văn hóa dân tộc Mông, đặc biệt là những người yêu thích văn hóa trà.

Cô giáo Trường Mầm non Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn hướng dẫn học sinh cách pha trà và mời trà.
Cô giáo Trường Mầm non Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn hướng dẫn học sinh cách pha trà và mời trà.


Không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ những cây chè cổ thụ, giống chè Shan tuyết, sản xuất và tiêu thụ trà, Suối Giàng còn tích cực đưa văn hóa trà vào trường học để từng bước xây dựng nền tảng văn hóa trà.

Ở Trường Mầm non Suối Giàng có hẳn một phòng trà truyền thống. Đây là nơi vừa để mời khách vừa là nơi để các cô giáo cho các bé tập làm quen với văn hóa trà. Các bé được các cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn của việc pha trà, hướng dẫn cách giới thiệu sản phẩm, pha trà, mời trà hay các cô giới thiệu cho các bé biết các công đoạn để làm nên một búp trà… Dần dần từ những điều nhỏ nhất, các bé đã hình thành những nhận thức đầu tiên của văn hóa trà. 

Cô giáo Lò Ngọc Loan chia sẻ: "Mỗi tháng, các cô lại tổ chức một buổi cho các con trải nghiệm, khi có các hoạt động ngoại khóa khác thì nhà trường lại tổ chức. Các cô đều đã được hướng dẫn và thực hành thuần thục cách pha trà, nhận biết từng loại trà. Hoạt động này triển khai trong nhà trường thực sự ý nghĩa bởi nhà trường đóng trên địa bàn xã Suối Giàng - "thủ phủ” của chè Shan tuyết đồng thời địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch thiên nhiên và văn hóa. Qua hoạt động này, trẻ được giao tiếp, được trải nghiệm và dần hình thành nhận thức đầu tiên về văn hóa trà. Phụ huynh cũng rất tích cực chung tay với nhà trường. Đặc biệt, hoạt động này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc gìn giữ văn hóa địa phương”.

Suối Giàng được mệnh danh là "thủ phủ” của trà Shan tuyết - một trong những loại trà quý hiếm và độc đáo nhất Việt Nam. Vùng đất này còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa của người Mông bản địa, đặc biệt là những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những năm gần đây, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, hướng tới du lịch văn hóa, du lịch gắn với phát triển sản phẩm chè Suối Giàng nên văn hóa trà được chú trọng đẩy mạnh. 

Văn hóa trà không chỉ đơn thuần là thưởng thức một tách trà mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Đưa văn hóa trà vào trường học không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về nguồn gốc và giá trị của trà mà còn góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Suối Giàng, tuy không đưa thành hoạt động định kỳ nhưng nhà trường khuyến khích học sinh tìm hiểu và thực hành văn hóa trà. 

Bên cạnh đó, một số đơn vị đã thực hiện các dự án ngắn về văn hóa trà tại nhà trường. Tại các trường học ở Suối Giàng, học sinh đều cơ bản hiểu về lịch sử của cây chè Shan tuyết, quy trình sản xuất chè truyền thống và thực hành pha trà. Đặc biệt, các em được tham gia vào các lễ hội trà hàng năm của địa phương, nơi không chỉ có các hoạt động văn hóa mà còn để thể hiện tài năng, sự sáng tạo của bản thân.

Việc đưa văn hóa trà vào trường học mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giáo dục về giá trị văn hóa, phát triển kỹ năng sống, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp thông qua việc hiểu biết về trà… Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng hoạt động đưa văn hóa trà vào trường học ở Suối Giàng vẫn chưa được nhiều, nhất là đối với khối trung học cơ sở - nguồn nhân lực kế cận làm du lịch của Suối Giàng. 

Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa văn hóa trà vào trường học ở nơi đây. Để làm được điều đó, các nhà trường cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để giúp cung cấp nguồn lực tổ chức và hướng dẫn văn hóa trà cho học sinh. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông và xây dựng các chương trình giáo dục văn hóa trà đa dạng để đưa vào hoạt động ngoài giờ lên lớp ở nhà trường.

Đưa văn hóa trà vào trường học tại Suối Giàng không chỉ là một bước đi quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển bền vững cho cộng đồng. Với những nỗ lực hiện tại, Suối Giàng đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa trà đồng thời tạo một môi trường học tập tích cực.

Thanh Ba

Tags Văn Chấn Suối Giàng văn hoá trà chè Shan tuyết

Các tin khác
Lớp đào tạo tiếng dân tộc Raglai cho các bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Học sinh đi học thêm phải đóng thêm tiền thuế và tiền thuê trung tâm khiến nhiều phụ huynh không đồng tình (ảnh minh họa).

Có thể nói, Thông tư số 29/2024, ban hành ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội; tốn không biết bao nhiêu giấy mực của truyền thông. Là một phụ huynh có 2 con đang đi học, tôi xin bày tỏ một vài ý kiến của mình về Thông tư này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn số 290/GDNNGDTX-GDCQ ngày 24/4/2025 hướng dẫn tuyển sinh cao đẳng năm 2025.

Gần 1,17 triệu học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 95.000 so với năm ngoái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục