Trường Tiểu học Trần Phú, huyện Lục Yên đã triển khai giáo dục STEM đại trà ở tất cả các lớp học. Mỗi lớp học đều có những hoạt động STEM phong phú, giúp học sinh vừa tiếp thu kiến thức vừa phát triển kỹ năng tư duy và làm việc nhóm. Chú trọng giáo dục STEM phù hợp với xu hướng toàn cầu đồng thời góp phần tạo ra những giá trị bền vững cho tương lai học sinh, đặc biệt trong bối cảnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được áp dụng.
Mỗi lớp học tại Trường Tiểu học Trần Phú được trang bị 9 bài học STEM với sự chủ động của các giáo viên trong việc nghiên cứu và lựa chọn nội dung phù hợp. Theo đó, các thầy cô có thể tích hợp STEM vào từng hoạt động cụ thể, tạo điều kiện cho học sinh được thực hành và sáng tạo.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường đã đưa giáo dục STEM vào chương trình giảng dạy một cách đồng bộ, từ việc xây dựng kế hoạch giáo dục đến tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo. Điều đặc biệt là các giáo viên khuyến khích học sinh sáng tạo từ những vật liệu đơn giản, tái chế, không yêu cầu chi phí lớn. Điều này giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”.
Mới đây, nhà trường đã tổ chức ngày hội STEM thu hút sự tham gia nhiệt tình của phụ huynh. Nhiều phụ huynh không khỏi ngạc nhiên khi thấy con mình có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo từ những vật liệu đơn giản. Sự kiện này đã khẳng định hiệu quả của giáo dục STEM, tạo ra môi trường gắn kết giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục trẻ. Phụ huynh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các hoạt động STEM, nhận thấy tính hữu ích và hiệu quả của chương trình. Sự đồng hành này là động lực lớn để nhà trường tiếp tục phát triển các hoạt động giáo dục sáng tạo.
Chị Nguyễn Thị Hải - một phụ huynh chia sẻ: "Các con rất giỏi, tôi thật sự khâm phục các thầy cô! Giáo dục hiện nay rất tiến bộ, phát triển, cùng với dạy kiến thức thuần tuý, các con đã có thể áp dụng vào thực tiễn”.
Giáo dục STEM tại Trường Tiểu học Trần Phú là một phương pháp giảng dạy, một phong trào, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo cho cả học sinh và giáo viên. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Kim Thanh bày tỏ mong muốn nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các chuyên gia trong quá trình triển khai. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục STEM đã được chú trọng hơn bao giờ hết. Ngành GD&ĐT tỉnh đã tích cực triển khai ở các cấp học, bậc học.
Trong đó, cấp tiểu học được triển khai từ năm học 2023 - 2024 đã thống nhất thực hiện đối với 25 trường; khuyến khích các trường không nằm trong lộ trình nhưng có đủ điều kiện đăng ký triển khai thực hiện và đến năm học 2024 - 2025 đã triển khai đại trà đến tất cả các trường có cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai giáo dục STEM ở cấp tiểu học, năm 2023 và năm 2024, Sở GD&ĐT tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên các trường có cấp tiểu học. Các nhà trường đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện thông qua xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục STEM. Các huyện cũng đã tổ chức tốt ngày hội STEM cấp tiểu học, tạo phong trào giáo dục STEM, giúp các đơn vị học hỏi lẫn nhau.
Cô Trần Thị Hạnh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học và THCS Tân Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Mặc dù điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng tôi luôn khuyến khích học sinh sáng tạo từ những vật liệu có sẵn, giúp các em phát triển kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề. Ứng dụng giáo dục STEM vừa giúp học sinh tiếp cận kiến thức vừa rèn luyện những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp và tư duy phản biện”.
Giáo dục STEM đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho thế hệ trẻ, đặc biệt ở các trường vùng cao. Sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, sự ủng hộ của phụ huynh và sự đồng hành của các chuyên gia sẽ là những yếu tố giúp giáo dục STEM phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Các môn học STEM như Toán học, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Tin học được tích hợp hợp lý vào chương trình giảng dạy. Điều này đã từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giáo dục và phù hợp với xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo dục STEM trong chương trình mới giúp học sinh nắm vững kiến thức, phát triển khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Các chủ đề STEM được thiết kế tích hợp liên môn, tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
|
Thanh Ba