Yên Bái cần lộ trình phù hợp và quyết tâm cao trong đào tạo nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/5/2012 | 2:43:00 PM

YBĐT - Yên Bái có tới 80,91% lao động tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm tới 83,26% lực lượng lao động tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên làm bầu cây mướp đắng giống.
Người dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên làm bầu cây mướp đắng giống.

Là xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh, xã Đại Phác (huyện Văn Yên) có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện các tiêu chí xây dựng trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Theo ông Phạm Tùng Nguyên - Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Đại Phác thì tiêu chí về cơ cấu lao động được xác định là tiêu chí khó thực hiện nhất và cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt. Mặc dù, địa phương nhận được sự hỗ trợ của Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trung tâm Dạy nghề huyện… nhưng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn vẫn gặp khó khăn.

Ông Nguyên chia sẻ: “Còn nhiều bất cập trong hoạt động đào tạo, các nghề xác định chuyển đổi cho LĐNT rất khó với một xã thuần nông như Đại Phác. Cần định hướng rõ ràng, sâu hơn, cụ thể hơn trong chuyển đổi ngành nghề để cho LĐNT”.

Do đặc thù của địa phương, huyện Văn Yên chọn Đại Phác để triển khai xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, sản xuất giống và cung cấp gạo thương phẩm ra thị trường, tuy nhiên, địa phương không thể cung cấp cho những đơn đặt hàng lớn. Do đó, sản phẩm nông dân sản xuất ra vẫn chủ yếu là cung cấp nhỏ lẻ, bán thô, thông qua thương lái nên lợi nhuận thấp, gây tâm lý băn khoăn cho người nông dân.

Ông Nguyên cho rằng, cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, hướng nông dân học nghề theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương, giảm dần các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, tăng các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, đào tạo có chiều sâu, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Xã Văn Phú, thành phố Yên Bái là xã có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất để xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các lớp đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thời gian qua chủ yếu là các nghề nông nghiệp như: chăn nuôi - thú y, chế biến nông sản, mô hình làm rau sạch... đã thu hút đông đảo học viên tham gia học tập nhưng với các lớp nghề phi nông nghiệp, nông dân cũng không mấy mặn mà.

Lớp nghề điện dân dụng, sau thời gian dài tuyên truyền vận động lớp học mới được mở nhưng khi mở thì học viên đi học cũng không đều do phần lớn học viên là nữ.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Văn Phú cho biết: “Khó nhất trong đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT trong xã là thị trường lao động và các ngành nghề dịch vụ trên địa bàn xã chưa phát triển mạnh, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Hơn nữa, học viên được học nghề chủ yếu là lao động dư thừa ở nông thôn nên sau khi học xong việc đầu tư vốn vào nghề rất ít”.

Mặc dù Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, thành phố luôn tạo điều kiện cho học viên sau học nghề vay vốn phát triển sản xuất song có rất ít học viên muốn vay. Hiện nay, trên địa bàn xã, số lượng các cửa hàng dịch vụ, cơ sở sản xuất thu hút được LĐNT vào làm việc rất ít nên nhiều LĐNT phải tìm kiếm việc làm tại các địa phương khác trong tỉnh. Điều này có thể khiến cơ cấu lao động nông nghiệp trên địa bàn xã giảm nhưng không bền vững do người lao động không có việc làm ổn định.

Hiện nay, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, cơ cấu lao động, trình độ lao động qua đào tạo nghề, ngành nghề đào tạo chưa cân đối đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao trong các ngành sản xuất, kinh doanh chủ yếu của địa phương. Lao động được đào tạo nghề có khả năng thích ứng với điều kiện sản xuất và sự phát triển của khoa học - công nghệ còn hạn chế.

Với các xã thuộc các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, cơ sở vật chất dành cho phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hầu như không có, gây khó khăn cho việc chuyển đổi và phát triển ngành nghề tại nông thôn.

Trên địa bàn các huyện này cũng chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã và khu công nghiệp... để thu hút lao động địa phương vào làm việc. Với đặc thù của vùng cao nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều thì việc thực hiện tiêu chí này ở vùng cao thực sự gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu thống kê, Yên Bái có tới 80,91% lao động tập trung ở khu vực nông thôn, chiếm tới 83, 26% lực lượng lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến năm 2015, nhiều xã thực hiện điểm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành được tiêu chí này. Vì đây là một tiêu chí rất khó thực hiện nên Yên Bái cần có lộ trình phù hợp và đòi hỏi quyết tâm cao của chính quyền cơ sở và ngay từ chính những người nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề xuất Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Cụ thể, đề nghị sửa đổi 3 tiêu chí gồm: chợ nông thôn, thu nhập và cơ cấu lao động. Nhưng dù Chính phủ có điều chỉnh hay không điều chỉnh tiêu chí cơ cấu lao động thì vẫn cần mở các lớp học nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Mặt khác, tăng cường gắn kết giữa địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người nông dân, hướng các doanh nghiệp về nông thôn…

 Hà Anh

Các tin khác
5 tháng đầu năm 2012, cả nước tạo việc làm cho khoảng 612.138 người (ảnh minh họa)

Trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước tạo việc làm cho khoảng 612.138 người, trong đó xuất khẩu lao động ước đạt trên 32.138 người.

Nhân dân xã Sơn A bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang hướng trọng tâm vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.

Chuyển dịch ngành nghề cho lao động nông thôn đang là bài toán khó cho xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Hát Lừu là xã được chọn làm điểm để xây dựng mô hình nông thôn mới của huyện Trạm Tấu. Chính vì vậy, công tác chuyển dịch ngành nghề, cơ cấu lao động theo tiêu chí lao động nông nghiệp giảm chỉ còn 45% dân số đã được xã xác định là một trong những tiêu chí trọng tâm cần quyết liệt thực hiện.

11 lao động tại Nga đã về nước hôm 13/5.

Hôm 13/5, 11 trong số 40 lao động (LĐ) xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại LB Nga đã về đến Việt Nam. Số lao động còn lại quyết định tiếp tục ở lại làm việc và đã được ký hợp đồng lao động hợp pháp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục