Hiệu quả từ đề án "chuyển lúa thành cá"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/1/2013 | 9:19:06 AM

YBĐT - Nhờ khai thác tốt tiềm năng, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt trong chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. >>

Là xã thuần nông nhưng xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) lại có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, diện tích đất lúa bình quân thấp nhất thị xã, có thôn chưa đến 300m2/khẩu. Việc khai thác tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất, nâng cao cuộc sống của người dân là vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền xã luôn trăn trở.

Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, xã đã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản được chú trọng.

Trước năm 2011, hai thôn Pá Làng và Ả Hạ của xã Nghĩa Phúc có gần 6ha đất ruộng trũng kém hiệu quả. Giúp người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, xã làm Đề án trình UBND thị xã xin hỗ trợ kinh phí cho người dân ở hai thôn này. Đề án được duyệt, người dân đã được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha đất ruộng chuyển đổi.

Tham gia Đề án chuyển đổi ruộng trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản có 19 hộ với diện tích trên 16.700m2. Có chính sách mở, cho phép các hộ dân chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho chính quyền và người dân nơi đây.

 Để việc chuyển đổi thành công, xã đã ra nghị quyết chuyên đề về việc thực hiện Đề án, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc. UBND xã cùng với các tổ chức đoàn thể tổ chức họp thôn, họp các hộ hiện đang sử dụng diện tích đất của dòng suối cạn không thể sản xuất.

Anh Hà Đình Dương - Trưởng thôn Pá Làng cũng đã chuyển đổi trên 500m2 sang đào ao, xây bờ kiên cố để thả cá. Mặc dù là năm đầu nuôi nhưng nhờ học hỏi kinh nghiệm nên việc nuôi cá của nhà anh đã cho hiệu quả. Vụ đầu tiên, anh nuôi các loại cá: trắm, chép, rô phi… thu trên 2 tạ cá, mang về trên 12 triệu đồng. Theo anh, nuôi cá không vất vả nhiều, vốn đầu tư ít, lại chủ động được nguồn thức ăn, tận dụng việc ủ phân chuồng làm thức ăn cho cá, nếu thuận lợi thì hiệu quả sẽ rất cao.

Gia đình chị Lường Thị Nắn, thôn Pá Làng là một trong số những hộ tham gia chuyển đổi cho biết: "Trước đây là dòng suối cạn, gia đình tận dụng để cấy lúa nhưng do có nhiều cát, bùn chua nên cây lúa không có hiệu quả, kinh tế gia đình gặp khó khăn. Năm ngoái được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, gia đình bỏ ra trên 20 triệu đồng để đào cái ao này nuôi cá. Cá lớn nhanh lắm, nếu năm ngoái không có lũ về thì mình cũng phải thu được trên 3 tạ cá đấy".

Nhờ khai thác tốt tiềm năng, xã Nghĩa Phúc đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt trong chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết: "Đây là một chương trình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao vì từ đất nông nghiệp không sản xuất được chuyển sang có sản phẩm và tăng tỉ trọng của ngành chăn nuôi thủy sản. Với những diện tích có nguy cơ bị lũ tràn vào, gây thiệt hại cho người dân cũng như diện tích nuôi trồng thủy sản, các ban, ngành, đoàn thể trong xã đã cùng nhân dân làm rọ tre kè tạm thời".

Theo ông Hùng, được sự quan tâm của tỉnh, của thị xã, hiện nay, xã đã đo những diện tích có nguy cơ bị lũ tràn vào và trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng kè kiên cố. Như vậy, đời sống nhân dân và các công trình nuôi trồng thủy sản sẽ đảm bảo sản xuất tốt, không bị ảnh hưởng.

Đề án chuyển đổi ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tại thôn Pá Làng đã góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 về phát triển nông - lâm nghiệp, đưa chăn nuôi thủy sản chiếm 30% tỷ trọng nông - lâm nghiệp, mở rộng diện tích chăn nuôi thủy sản, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.

Hồng Duyên

Các tin khác
Giống bí đỏ hạt đậu cho năng suất trên 20 tấn/ha.

YBĐT - Cùng với việc hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác rau an toàn, vụ đông vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái xây dựng mô hình sản xuất bí đỏ an toàn nhằm nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.

Trấn Yên đang hướng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của người lao động và gắn với các vùng sản xuất cụ thể.

YBĐT - Huyện Trấn Yên (Yên Bái) có trên 83.000 người, trong đó khoảng 49.000 người trong độ tuổi lao động, chủ yếu tham gia hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp.

Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cho biết: 63 tỉnh, thành phố và 7 bộ, ngành vừa có báo cáo đến hết năm 2012, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho gần 485.000 lao động nông thôn.

Nông dân huyện Văn Chấn cấy lúa và sử dụng phân viên nén dúi sâu.

YBĐT - Phân bón viên nén dúi sâu là loại phân chậm tan, tan từ từ vừa đủ cho cây hút, đủ dinh dưỡng. Cả vụ chỉ bón dúi một lần, đơn giản, dễ làm và chủ động trong sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục