YBĐT - Đây là thời điểm mà người dân trong cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đón nhận đợt rét đậm nhất từ đầu mùa đông năm nay. Thời tiết diễn biến thất thường, ngày nắng, đêm lạnh, độ ẩm tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Công tác kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em vùng cao trong mùa đông được quan tâm thực hiện tốt.
|
Bác sỹ Vàng A Sàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: "So với năm 2013, mùa đông năm nay, số bệnh nhân nhập viện tương đối ổn định, không có những ca bệnh bất thường, nguy hiểm. Tổng số nhập viện từ đầu mùa đông tính từ trung tuần đến hết ngày 22/12 là 569 bệnh nhân. Đặc biệt, những ngày gần đây, không khí lạnh tăng cường nên số nhập viện có chiều hướng tăng với 237 bệnh nhân. Các bệnh thường gặp là: tai biến mạch máu não, đột quỵ ở người già, các bệnh về đường hô hấp, viêm phế quản, tiêu chảy ở trẻ nhỏ…".
Để chủ động đối phó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn, đặc biệt là Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Nhi chủ động bố trí thêm các giường bệnh, chăn mền ấm cũng như cơ số thuốc sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, bệnh nhân nhập viện từ đầu mùa đông đến nay cũng có chiều hướng gia tăng với 804 bệnh nhân (tính từ đầu tháng 12 đến nay); riêng trong 5 ngày rét đậm gần đây (từ ngày 17 đến 22/12), là 178 bệnh nhân nhập viện với những bệnh thường gặp như: viêm họng cấp, tăng huyết áp, viêm dạ dày và tá tràng, hội chứng nhức đầu, đau bụng, viêm phổi…
Bác sỹ Hà Thị Hồng Thúy - Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Mùa đông năm 2014 đến muộn hơn so với những năm trước đây song cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gia tăng bởi những diễn biến bất thường của thời tiết. Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho Sở Y tế triển khai các hoạt động chuyên môn, trang thiết bị, phục vụ tốt nhất công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào khu vực phía tây của tỉnh".
Mùa đông xuân do thời tiết lạnh, độ ẩm cao, thiếu ánh nắng mặt trời, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, dễ gây thành dịch như: cúm A/H5N1, cúm mùa, sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay - chân - miệng, sốt phát ban nghi sởi/Rubella, thủy đậu, quai bị, viêm màng não do não mô cầu, đau mắt đỏ do adeno vi rút… Bên cạnh các dịch bệnh có tính chất lưu hành trong nước kể trên, khả năng xâm nhập của các bệnh như: cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, sốt xuất huyết do vi rút Ebola vào Việt Nam là rất lớn do tính chất phức tạp và gia tăng của các dịch bệnh này trong thời gian gần đây trên thế giới.
Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: "Cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, Yên Bái đã phải đối mặt với dịch bệnh sởi ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn khiến 2 người tử vong. Từ đầu mùa đông năm 2014, số lượng bệnh nhân bị thủy đậu tăng đột biến so với những năm trước cho thấy diễn biến của tình hình dịch bệnh, biến thể của các loại vi rút, vi khuẩn rất phức tạp và nguy hiểm. Nếu không làm tốt công tác dự phòng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân".
Thực hiện Công văn số 6284/BYT-DP ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế, Công văn số 1924/UBND-VX ngày 25/9/2014 của UBND tỉnh Yên Bái về việc tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh mùa đông xuân năm 2014 - 2015, Sở Y tế đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, các huyện, thị, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân tại các cấp ở địa phương; kiện toàn, củng cố hoạt động của ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp; chủ trì phối hợp với ngành liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường triển khai các hoạt động giám sát, phòng chống dịch trong các trường học, tại cộng đồng, phòng chống các bệnh lây từ súc vật sang người; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các sở, ngành huy động lực lượng, huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch; tăng cường hệ thống phòng, chống dịch bệnh ở cả hệ thống điều trị và dự phòng, giám sát dịch tễ tại cơ sở, đặc biệt những nơi đông dân cư, bến xe, bến tàu… để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp mắc cúm A, dịch Ebola.
Đặc biệt, trong các đợt rét kéo dài, cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm A, viêm màng não do não mô cầu và các dịch bệnh khác như: sởi, tả, sốt xuất huyết…; phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường công tác giám sát ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch cúm gia cầm, bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và người đi xử lý ổ dịch. Các cơ sở điều trị, trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực và các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân để chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Ngọc Sơn