Ngành chăn nuôi lợn của Yên Bái những năm qua phát triển mạnh. Thống kê thời điểm 01/4/2017, đàn lợn trên địa bàn tỉnh tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2016. Toàn tỉnh có 13 trại nuôi lợn quy mô lớn với số lợn nái từ 300 con trở lên, lợn thịt từ 200 con trở lên, trong đó có 9 trại nuôi từ 1.200 con lợn thịt trở lên.
Không chỉ tăng về số lượng con và sản lượng thịt mà ngành sản xuất này đang có sự thay đổi rõ nét về quy mô cũng như cung cách sản xuất. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, các nông hộ đang chuyển dần sang chăn nuôi gia trại, trang trại và nông trại gắn với thị trường...
Tuy đã từng bước phát triển theo hướng hàng hóa với quy mô lớn và theo phương thức sản xuất công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng bức tranh tổng thể của ngành chăn nuôi vẫn gặp những khó khăn nhất định, sản xuất chăn nuôi mang tính truyền thống, quy mô nhỏ lẻ hiện chiếm 80%.
Chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ dẫn đến việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, sản lượng hàng hóa ít, giá trị kinh tế thấp. Trong chăn nuôi vẫn thiếu giống tốt mà đây là khâu quan trọng để chăn nuôi phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, thị trường thức ăn và đầu ra cho sản phẩm còn nhiều bấp bênh. Khó khăn lớn nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Người chăn nuôi bán sản phẩm chủ yếu qua khâu trung gian nên hay bị ép giá, giá cả không ổn định, vẫn có tình trạng được mùa rớt giá. Giá lợn hơi giảm mạnh, giảm sâu, giảm lâu trong thời điểm cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 là ví dụ.
Có thời điểm, giá lợn hơi chỉ còn 18 - 20 nghìn đồng/kg, trung bình 1 con lợn, người nông dân phải chịu lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng, so với giá thành cùng kỳ năm trước thì người dân mất khoảng 40% thu nhập. Anh Đinh Văn Hội ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình trước đây làm nghề lái xe tắc-xi nhưng thu nhập không ổn định.
Đầu năm 2016, anh bỏ nghề, chuyển sang nuôi lợn. Mang sổ đỏ của nhà đi vay ngân hàng được hơn 330 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Bao hy vọng mong cuộc sống thay đổi không những bị dập tắt ngay từ lứa lợn xuất chuồng đầu tiên mà còn khiến gia đình anh rơi vào cảnh phá sản.
Chung khó khăn trong sản xuất chăn nuôi lợn của cả nước, ngành chăn nuôi Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện giải pháp giảm quy mô đầu đàn, giảm số lượng đàn nái, thậm chí phải chỉ đạo bỏ qua 1 - 2 chu kỳ phối giống cho lợn sinh sản. Đối với người chăn nuôi đang chịu thua lỗ quá lớn, nhiều hộ nợ đọng vốn vay đầu tư cho sản xuất. Hầu hết các hộ đầu tư chăn nuôi số lượng lớn thật sự điêu đứng, đời sống kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phát triển sản xuất không theo nhu cầu của thị trường và sau nhiều năm phát triển "nóng”, sản lượng thịt hơi đã vượt khá xa khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa. Thị trường tiêu thụ vẫn chưa được mở rộng, việc bán lợn hơi qua tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do chính sách quản lý đường biên; vấn đề chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và kết nối thị trường còn yếu kém; chưa có dự tính, dự báo về thị trường đầu ra, không có địa chỉ để tiêu thụ sản phẩm.
Người nông dân chỉ cần có tư liệu sản xuất là có thể sản xuất khi thấy sản phẩm được giá dẫn đến mất kiểm soát về số lượng sản phẩm, làm cho cung vượt cầu. Khi sản phẩm dư thừa sẽ dẫn đến bị ép giá, mất giá, sản xuất không có hiệu quả.
Ông Ngô Văn Hải - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình cho biết: "Chúng tôi có 9 trang trại chăn nuôi với 28 thành viên, nhưng đầu ra sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Vấn đề cấp bách là phải tìm được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định cho xã viên".
Ngoài ra, công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi làm chưa triệt để; giám sát quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y còn nhiều hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm động vật tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đẩy mạnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi còn hạn chế. Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống, sơ chế nên giá thấp, thị trường hẹp, do đó sức cạnh tranh của sản phẩm và giá trị gia tăng sản phẩm không cao. Số trang trại và sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAP đạt tỷ lệ quá thấp - tất cả những yếu tố trên đang kìm hãm chăn nuôi phát triển...
Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020 đã nêu rõ mục tiêu phát triển đàn gia súc giai đoạn 2016 – 2020 trọng tâm theo hướng tăng về năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất gia tăng của các sản phẩm chăn nuôi. Cụ thể, đàn lợn tăng bình quân 3,2%/năm (từ 519.344 con năm 2015 lên 608.000 con năm 2020).
Hỗ trợ phát triển 490 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, gồm: chăn nuôi lợn nái sinh sản quy mô 15 con lợn nái trở lên là 100 cơ sở; chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 100 con/lứa trở lên 140 cơ sở; chăn nuôi lợn kết hợp 5 con lợn nái và 50 con lợn thịt, 250 cơ sở. Xây dựng trại sản xuất giống lợn ông bà quy mô 600 nái, để sản xuất ra đàn bố mẹ phục vụ cho nhu cầu sản xuất giống thương phẩm của tỉnh, nhằm tạo ra con giống chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu giống lợn của tỉnh...
Xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở giết mổ tại các khu đô thị tập trung đông dân cư, phục vụ cơ bản nhu cầu giết mổ ở các đô thị. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ quảng bá và tiếp cận thị trường cho các cơ sở chăn nuôi; gắn công tác khuyến nông với cung cấp thông tin về thị trường; củng cố xây dựng hệ thống chợ có khu buôn bán gia súc gia cầm sống và đã qua giết mổ riêng biệt; tăng cường liên kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm. |
Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
"Ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm đáp ứng tốt yêu cầu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường; xây dựng và nâng cấp các điểm giết mổ nhỏ lẻ thành các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh các hình thức liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, từ đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo tính bền vững. Có nhiều giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững và giải pháp về sản xuất theo chuỗi giá trị là một trong những đột phá quan trọng hàng đầu”. |
Hồng Duyên
Đón xem bài 2: Phát triển nhờ liên kết