Văn Yên chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/11/2019 | 8:00:52 AM

YênBái - Tỷ lệ lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn trước, chiếm trên 80%.

Học viên tham gia khóa đào tạo nghề may tại xã Viễn Sơn.
Học viên tham gia khóa đào tạo nghề may tại xã Viễn Sơn.

Thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020, huyện Văn Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956 với 16 cơ quan, đơn vị thành viên cấp huyện và ban chỉ đạo các xã, thị trấn. Nhiệm vụ trọng tâm là: triển khai đến người dân các văn bản, quy định về công tác ĐTN, chính sách học nghề, vay vốn giải quyết việc làm… 

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề để mở các lớp dạy nghề tại cơ sở sát với tình hình phát triển kinh tế của từng địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ĐTN được đầu tư đáp ứng mọi yêu cầu của công tác ĐTN. 

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ hữu được củng cố về số lượng và nâng cao chất lượng. Nội dung, phương pháp giảng dạy được đổi mới, cải tiến như: thường xuyên cập nhật kiến thức mới để bổ sung, hoàn thiện các chương trình, giáo trình về ĐTN, đáp ứng yêu cầu về dạy và học; bố trí thời gian hợp lý giữa học lý thuyết và thực hành; tổ chức dạy nghề tại xã, thôn nhằm tạo điều kiện cho người học nghề tiết kiệm thời gian đi lại, đảm bảo thời gian học. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã ĐTN cho 6.901 LĐNT, trong đó: nhóm nghề nông nghiệp 4.549 người, chiếm 75,49%; nhóm nghề phi nông nghiệp 1.692 người, chiếm 24,51%. 

Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Văn Yên có gần 80.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 64% dân số toàn huyện. Qua khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ LĐNT sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn trước, chiếm trên 80%. Cụ thể, số học nghề làm đúng với nghề đào tạo là 4.590 người; 86 người đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; 4.122 người tự tạo việc làm; gần 2.600 hộ thoát nghèo và 689 hộ vươn lên khá… 

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác ĐTN gắn với giới thiệu việc làm cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng để người học nghề đầu tư vào phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững” - ông Minh nói.

Bên cạnh những nỗ lực trong công tác ĐTN cho LĐNT, những năm gần đây, huyện Văn Yên đặc biệt quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. 

Từ năm 2010 đến nay, đã có 410 người được cử đi tham gia đào tạo với hệ đại học là 274 người, cao đẳng 14 người, trung cấp 122 người. Đội ngũ cán bộ này được bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, quản lý nhà nước đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý về tin học, ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về cải cách hành chính… nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Tuy nhiên, công tác ĐTN cho LĐNT trên địa bàn huyện Văn Yên thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số ban chỉ đạo cấp xã chưa quan tâm đến công tác ĐTN; nhận thức của LĐNT còn hạn chế, khó khăn trong công tác ĐTN cho thanh niên; một số người qua ĐTN nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động; trang thiết bị phục vụ cho dạy nghề đã xuống cấp cần đầu tư mới…

Để công tác này ngày càng đi vào cuộc sống, thời gian tới, huyện Văn Yên xác định tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức ĐTN tại các địa phương; chú trọng giải quyết việc làm sau ĐTN và đề ra, mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ ĐTN cho LĐNT đạt 69%, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Thái Hưng