Tân Đồng phát huy hiệu quả mô hình tổ hợp tác

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/7/2021 | 8:12:42 AM

YênBái - Mô hình tổ hợp tác nông lâm nghiệp ở xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện tại, xã có 4 tổ hợp nông lâm nghiệp do Hội Nông dân phụ trách.

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên tham quan, kiểm tra mô hình Tổ hợp tác Trồng cây lá khôi của hội viên nông dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên tham quan, kiểm tra mô hình Tổ hợp tác Trồng cây lá khôi của hội viên nông dân.

Đồng chí Tạ Duy Trinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đồng cho biết: "Với đặc thù là xã thuần nông, hầu hết người dân đều làm nghề trồng rừng và trồng dâu nuôi tằm; tuy nhiên, phần đa chỉ làm ăn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, kiến thức, kỹ năng trong phát triển sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Do đó, khi tỉnh có chủ trương thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã, chúng tôi bàn thảo, vận động các hộ dân tham gia liên kết cùng phát triển”. 

Hiện tại, xã Tân Đồng có 4 tổ hợp nông lâm nghiệp do Hội Nông dân phụ trách gồm: 2 THT trồng dâu nuôi tằm, 1 THT trồng rừng và 1 THT cây dược liệu với tổng số hơn 70 hộ thành viên. Kể từ khi tham gia vào THT, các hộ thành viên được hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, khoa học, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, tham quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế nên rất tự tin, phấn khởi, gắn bó, tâm huyết hơn với công việc đang làm. 

Ông Nguyễn Duy Ứng - Tổ trưởng THT Trồng dâu nuôi tằm thôn Làng Đồng cho biết: "Ngay khi tham gia THT, các thành viên trong tổ đã được huyện hỗ trợ kỹ thuật đưa tằm lên né ô vuông; đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ 50 né ô vuông trị giá 5 triệu đồng và 800.000 đồng để mua bàn ép kén. So với cách làm né tre truyền thống thì việc áp dụng kỹ thuật đưa tằm lên né ô vuông có ưu điểm hơn là giảm tỷ lệ kén hỏng, kén bị ẩm mốc, kén to hơn nên giá kén cũng cao hơn”. 

Hiện, xã Tân Đồng có tổng diện tích hơn 130 ha dâu là nguồn thức ăn duy nhất; do đó, ngoài việc được cung ứng cây giống miễn phí đảm bảo chất lượng có nguồn gốc xuất xứ, các hộ tham gia THT Trồng dâu nuôi tằm còn được hỗ trợ mua phân bón trả chậm chất lượng cao, giá thành ưu đãi nên chất lượng cây dâu đã cải thiện rõ nét, cho nhiều lá và ít sâu bệnh. Trung bình 1ha dâu tằm ở Tân Đồng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm và mỗi năm nhân dân thu nhập hàng chục tỷ đồng từ bán kén tằm. 

Đối với THT trồng rừng và trồng cây dược liệu (chủ yếu là cây quế và cây lá khôi), đến nay, sau khi được hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, năng lực sản xuất, tham quan mô hình trồng quế hữu cơ, thành viên của các THT này cũng đã phát huy tính chủ động, tham gia hoạch định theo hợp đồng, hợp tác, chia sẻ, liên kết thị trường để cùng có lợi. 

Ông Phan Ngọc Sơn, thôn Bánh Xe, thành viên THT Cây dược liệu cho biết: "Hiện tại, gia đình tôi và các thành viên trong tổ đều áp dụng quy trình sản xuất cây dược liệu đảm bảo an toàn, bền vững từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái, sơ chế, bảo quản theo sinh trưởng và phát triển của cây lá khôi. Chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, huyện để kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm lợi ích các chủ thể tham gia”. 

Từ thực tiễn sản xuất trên địa bàn xã Tân Đồng cho thấy, việc thành lập THT đã giúp cho nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; giải quyết tình trạng sản xuất manh mún trong nông nghiệp và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là hướng đi đúng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Hồng Oanh