Kết quả thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã ở Minh Bảo

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/5/2022 | 7:46:24 AM

YênBái - Thực hiện Chương trình chuyển đổi số (CĐS), xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã lựa chọn thôn Yên Minh thí điểm thực hiện CĐS cấp xã. Mô hình đã phát huy hiệu quả, đem lại những bài học kinh nghiệm thiết thực để nhân rộng.

Các đại biểu thực hiện các thao tác mua bán không dùng tiền mặt tại gian hàng chuyển đổi số trưng bày sản phẩm OCOP của xã Minh Bảo.
Các đại biểu thực hiện các thao tác mua bán không dùng tiền mặt tại gian hàng chuyển đổi số trưng bày sản phẩm OCOP của xã Minh Bảo.

Để triển khai CĐS thành công trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, xã Minh Bảo đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Trong đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng Internet, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống "một cửa” điện tử; sử dụng các phần mềm quản lý, phần mềm tài chính - kế toán; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, công chức về CĐS, đặc biệt là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4... 

Đến nay, 100% các cuộc họp chi bộ thôn đã làm việc trên môi trường điện tử bằng phần mềm Sổ tay đảng viên; cung cấp công khai, minh bạch dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý đúng hạn và trước thời hạn đạt 100%, không còn tình trạng người dân phải chờ đợi, xếp hàng lâu thực hiện thủ tục hành chính. 

Xã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác; rà soát, thay thế, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra việc công khai, minh bạch trong các hoạt động nhằm chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, góp phần phòng ngừa tham nhũng phát sinh… 

Bên cạnh đó, việc sử dụng ngân sách Nhà nước được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị… thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, phục vụ hiệu quả hoạt động của địa phương; xây dựng kế hoạch tự kiểm tra nội bộ về việc thực hiện chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại đơn vị mình; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn của các địa phương, cơ quan, đơn vị; người có hành vi vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ phải bị xử lý và chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật PCTN. 

Có thể thấy, CĐS đã làm chuyển biến căn bản nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. 

Được biết, xã Minh Bảo hiện đang triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn. 

Từ khi lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, tỷ lệ thôn nhân dân được công nhận đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự” đạt trên 90% trở lên. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai CĐS cũng gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là trong xây dựng kinh tế số. Điểm mấu chốt để xây dựng thành công nền kinh tế số là thương mại điện tử và nền tảng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn, việc triển khai cả 2 nội dung này vẫn còn hạn chế. 

Do đó, để CĐS thành công, tiến tới nhân rộng ra các địa phương khác, hoạt động CĐS cần tiếp tục được Đảng ủy, chính quyền xã triển khai bài bản, mang lại hiệu quả cao hơn; trong đó, cần ưu tiên các dịch vụ thiết yếu phục vụ lợi ích của người dân như dịch vụ về y tế, giáo dục, thanh toán online, quảng bá nông sản, quảng bá di tích và các thế mạnh riêng của từng địa phương. 

Mỗi cán bộ, công chức cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi phương thức làm việc, giúp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giải quyết công việc. Cùng với đó, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của CĐS.

Trần Ngọc