Tự chọn hay bắt buộc?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2022 | 8:02:29 AM

YênBái - Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra: Lịch sử sẽ là môn học tự chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học phổ thông (THPT) bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 đã tạo ra cuộc tranh luận trong xã hội thời gian qua. Cuộc tranh luận này đã được truyền thông phản ánh khá đậm nét với đa phần ý kiến không đồng tình, nghĩa là Lịch sử vẫn phải là môn học bắt buộc như trước nay.

Ở góc độ tiếp cận khác, có quan điểm là đồng tình, cho rằng môn Lịch sử có thể trở thành môn học tự chọn. 

Ngày 22/5/2022, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu và quy định môn học Lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc. 

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội qua phân tích đã đi đến kết luận rằng, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này nên cần tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp. 

Song song, cần thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn). 

Dù đa phần ý kiến đồng tình với quy định Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc THPT nhưng cần thay đổi cách dạy, cách học, cách thi… đặc biệt, trước hết phải thay đổi từ chính đội ngũ giáo viên. 

Ở lĩnh vực lịch sử, thầy giáo Lê Văn Cường - giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử, Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái nổi tiếng cả nước với tài năng viết sử bằng thơ lục bát và đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận xác lập 3 Kỷ lục Việt Nam. Các tác phẩm: "Đại cương thế giới sử thi” dài 3.456 câu thơ lục bát, "Việt Nam theo dấu sử ca” có dung lượng 36.888 câu thơ lục bát, "Yên Bái ghi dấu sử thiên” là 9.037 câu thơ lục bát, "Ngang trời mây đỏ thiên thơ” với 10.398 câu thơ lục bát đã thể hiện tình yêu, nhiệt huyết và đam mê của thầy Cường với nghề, với bộ môn Lịch sử, với học trò.

Tâm nguyện của thầy giáo Lê Văn Cường chỉ đơn giản là: "Mong muốn học sinh có thêm tài liệu tham khảo học tập theo một hướng tiếp cận mới và bản thân mình, đồng nghiệp có thêm tài liệu giảng dạy hữu ích”. 

Bản thân thầy Cường trong quá trình giảng dạy cũng đã nhận thức rõ những khó khăn, nhất là trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh bởi thật sự không dễ dàng khi phải học, phải nhớ một khối lượng lớn những mốc thời gian, sự kiện lịch sử từ thời rất xa, rất khác với cuộc sống hiện đại hôm nay của mình.

Công việc cùng trải nghiệm của thầy giáo Lê Văn Cường cho thấy, vai trò của người thầy hết sức quan trọng trong việc khơi gợi hứng thú với môn học của học sinh. Khi người thầy tự nhận thấy bản thân phải luôn đổi mới, phải thật sự có trách nhiệm với từng bài giảng, phải không ngừng sáng tạo, phải làm sao giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất… thì mỗi tiết học sẽ trở thành thời gian đáng quý, đáng nhớ, đáng trân trọng với cả thầy lẫn trò.

Để làm được điều này, bản thân thầy Cường cũng phải nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, đầu tư trí tuệ, thời gian, công sức để theo đuổi đam mê của mình. Người thầy giáo này đã nhiều năm nỗ lực, tâm huyết với nghề, dành tình yêu cho học trò thông qua những câu thơ lục bát chứa chan tình yêu lịch sử đất nước, quê hương, tự hào dân tộc. 

Thật sự không gì có thể đong đếm, so sánh nổi với tình yêu ấy. Nếu mỗi người thầy đều tâm huyết và sáng tạo như vậy, chắc chắn sẽ không ai phải băn khoăn về hiệu quả dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường, về việc Lịch sử nên là môn học tự chọn hay bắt buộc…

Nguyễn Thơm