Giữ ổn định giá cả thị trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 7:52:43 AM

YênBái - Từ 15 giờ 21/6/2022, giá xăng tăng theo giá thế giới, tiến tới mốc gần 33.000 đồng/lít. Đây là đợt tăng giá lần thứ 7 liên tiếp từ 21/4/2022 đến nay. Xăng dầu tăng giá dẫn đến giá cả các mặt hàng khác trên thị trường có xu hướng tăng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do biến động của giá xăng dầu, các ngành chức năng trong tỉnh đã theo dõi chặt diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung, cầu nhằm bình ổn giá thị trường.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,72% so với tháng trước, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, bình quân từ đầu năm so với cùng kỳ tăng 3,56%. Xét về cơ cấu nhóm hàng so với tháng trước có 7 nhóm chỉ số giá tăng là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,76%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,98%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,58%; thuốc dịch vụ y tế tăng 0,07%... 

Tìm hiểu tại một số chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng giá. Cùng với đó, giá xăng, dầu liên tục điều chỉnh tăng dẫn đến giá một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, các loại vật liệu xây dựng… đều tăng. 

Để thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Công văn số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 về công tác điều hành giá, các bộ, ngành địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. 

Tại tỉnh Yên Bái, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường. Sở Tài chính thường xuyên nắm bắt thông tin giá cả thị trường, nắm bắt diễn biến xu hướng vận động của giá cả, thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường theo quy định. 

Ngành công thương nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình giá cả thị trường; hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống nhân dân; theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu, điện, kịp thời đề xuất giải pháp bình ổn khi có sự biến động lớn về giá đối với các mặt hàng này. 

Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc kê khai giá, bán hàng theo giá niêm yết, công khai giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, thịt lợn, lương thực, thực phẩm…; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về giá, niêm yết giá… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng và góp phần ổn định thị trường.
Hồng Duyên