Phạm Văn Chiến - thủ lĩnh Đoàn tiên phong

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 7:53:12 AM

YênBái - Dám nghĩ, dám làm, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, Phạm Văn Chiến - Bí thư Chi đoàn thôn An Khang, xã Đông An, huyện Văn Yên được biết đến là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Anh Phạm Văn Chiến - Bí thư Chi đoàn thôn An Khang, xã Đông An, Chủ nhiệm HTX sản xuất Dược liệu Thanh Sơn giới thiệu sản phẩm Cao đặc Cà gai leo.
Anh Phạm Văn Chiến - Bí thư Chi đoàn thôn An Khang, xã Đông An, Chủ nhiệm HTX sản xuất Dược liệu Thanh Sơn giới thiệu sản phẩm Cao đặc Cà gai leo.

Với khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhận thấy hướng đi đúng từ phát triển trồng các loại cây lâm nghiệp, lương thực và dược liệu quý, anh Chiến hiện đang là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất Dược liệu Thanh Sơn - mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao và thiết thực.

Đầu năm 2017, sau khi được đi tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình trồng cây dược liệu của một số tỉnh bạn, sẵn có kiến thức chuyên ngành được đào tạo tại Trường Đại học Nông nghiệp, với đức tính ham học hỏi, tích cực tìm hiểu, anh Chiến bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cây cà gai leo. Đến tháng 10/2017, anh Chiến bắt đầu trồng thử nghiệm cây cà gai leo với diện tích 1 ha. 

Từ bước đầu thử nghiệm, cây cà gai leo đã cho thu hoạch, năng suất cao, từ đó, tạo động lực cho anh mạnh dạn đầu tư phát triển diện tích mở rộng thị trường. 

Đến năm 2018, anh Chiến liên kết với các hộ dân tại xã Mậu Đông để trồng, chăm sóc và bao tiêu đầu ra của sản phẩm thân cây cà gai leo, đồng thời mở rộng diện tích trồng lên 3 ha, tạo việc làm cho 15 hộ nông dân là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong xã. 

Tháng 4/2019, anh Chiến thành lập HTX sản xuất Dược liệu Thanh Sơn, có địa chỉ tại tổ 4, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên chuyên cung ứng các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên giúp bảo vệ và tăng cường chức năng gan như: bột cà gai leo, cao cà gai leo, lá và rễ cà gai leo… và đã được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP 3 sao. Với điểm giao dịch và trưng bày sản phẩm OCOP, anh Chiến đã tạo thêm việc làm cho 4 lao động là thanh niên trong xã với mức lương trung bình từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. 

Nhờ nhanh nhạy, thích ứng với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, không gian mạng, anh Phạm Văn Chiến quyết định đầu tư mua phần mềm bản quyền Quản lý bán hàng Sapo. Anh chia sẻ: Chỉ với gần 300 nghìn đồng/tháng, phần mềm quản lý bán hàng đã giúp tôi dễ dàng quản lý thông tin khách hàng, đơn hàng, các sản phẩm, số lượng đơn bán đi, công nợ, báo cáo tổng hợp tài chính hàng ngày, hàng tháng, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, nhân công. Vì thế, dù ở xa cũng chỉ cần qua điện thoại thông minh là tôi có thể kiểm soát tốt công việc kinh doanh tại cửa hàng. 

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, cấp thiết, cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Là người trẻ làm kinh doanh, tôi nghĩ mình càng cần có sự năng động, sáng tạo, nỗ lực cập nhật những thứ mới mẻ, hiện đại.

Đến nay, anh Chiến đã phát triển diện tích vùng nguyên liệu lên 10,5 ha tại 4 xã: Đông An, Đông Cuông, Mậu Đông, Xuân Ái; đẩy mạnh việc quảng cáo sản phẩm, kinh doanh sản phẩm Cao đặc cà gai leo trên các nền tảng mạng xã hội và một số sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động là thanh niên nông thôn và 15 - 20 lao động thời vụ; giúp đỡ 20 hộ liên kết sản xuất có việc làm và thu nhập ổn định; tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, anh Chiến thu về khoảng 300 triệu đồng/năm. 

Được biết, năm 2021, Phạm Văn Chiến vinh dự là 1 trong số 57 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu trên toàn quốc nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Đinh Mai