Người trồng nấm Linh chi đỏ đầu tiên ở Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2022 | 7:22:50 AM

YênBái - Những năm trước, cựu chiến binh (CCB) Tạ Quang Nhi ở phường Tân An là một trong những người chăn nuôi lợn nhiều nhất ở thị xã Nghĩa Lộ. Song, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giá lợn hơi thấp khiến ông Nhi không duy trì được quy mô chăn nuôi và ông chuyển hướng sang học hỏi, nghiên cứu đưa vào trồng nấm Linh chi đỏ và đã cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Tạ Quang Nhi (áo trắng) đang giới thiệu về quy trình sản xuất nấm Linh chi đỏ.
Ông Tạ Quang Nhi (áo trắng) đang giới thiệu về quy trình sản xuất nấm Linh chi đỏ.

Đầu năm 2021, qua tìm hiểu từ báo chí, mạng Internet, ông Tạ Quang Nhi nhận thấy Nghĩa Lộ có điều kiện phù hợp về khí hậu để trồng nấm Linh chi. Sau đó, ông đến Phú Thọ - nơi có nhiều người trồng nấm để khảo sát, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm Linh chi đỏ. Ông đã đầu tư 400 triệu đồng để cải tạo hơn 300 m2 đất vườn làm mặt bằng sản xuất rồi cấy hơn 1 vạn phôi giống nấm Linh chi đỏ. 

Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nên nấm phát triển tốt và có thu hoạch ổn định ngay lứa đầu. 

Để sản phẩm nấm được nhiều người biết đến, ông Nhi đã sơ chế, sấy khô nấm Linh chi đỏ ngâm rượu… và trưng bày tại cửa hàng của gia đình. 

Ông Liễu Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh gạo Mường Lò cho biết: Ông Nhi đã hợp tác với Hội và Trung tâm Giới thiệu sản phẩm OCOP Nghĩa Lộ để giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, được tư vấn làm thủ tục công nhận nấm Linh chi đỏ là sản phẩm OCOP. 

Hiệu quả ngay từ năm đầu trồng nấm Linh chi đỏ, đã tạo động lực giúp ông Nhi tiếp tục đầu tư mở rộng trạng trại. "Trồng nấm Linh chi đỏ vừa mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình vừa cung cấp sản phẩm tốt cho sức khỏe con người như: làm mát cơ thể, tăng sức đề kháng…” - ông Nhi cho biết. 

CCB Tạ Quang Nhi là một điển hình dám nghĩ, dám làm khi là người đầu tiên đưa mô hình trồng nấm Linh chi đỏ về sản xuất tại địa phương. 

Những năm qua, Hội CCB thị xã Nghĩa Lộ đẩy mạnh Phong trào thi đua dân vận khéo nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nhân dân trong phát triển kinh tế. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu với cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả được nhân rộng. Đến nay, Hội CCB thị xã đã xây dựng được 206 mô hình dân vận khéo trên tất cả lĩnh vực. Trong đó có 105 mô hình về lĩnh vực phát triển kinh tế.

Trần Ngọc