Văn Chấn nỗ lực chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2022 | 7:46:45 AM

YênBái - Đến nay, Văn Chấn đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS), xây dựng quy chế hoạt động; thành lập tổ cộng tác viên CĐS huyện và các tổ CĐS cộng đồng tại cấp xã, thị trấn; cấp thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Huyện xác định 46 hạng mục cơ bản về CĐS trong năm 2022.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra công tác chuyển đổi số tại xã Tú Lệ.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn kiểm tra công tác chuyển đổi số tại xã Tú Lệ.

Xác định CĐS là nhiệm vụ "không thể không làm”, "không thể trì hoãn”, nên ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 51 về CĐS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Văn Chấn đã ban hành Chương trình hành động và Đề án CĐS của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, xây dựng quy chế hoạt động; thành lập tổ cộng tác viên CĐS huyện và các tổ CĐS cộng đồng tại cấp xã, thị trấn; cấp thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn.

Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoàng Thị Thanh Tâm cho biết: "Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ, các hạ tầng cốt lõi cơ bản đảm bảo, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục chuyển dịch dần sang hạ tầng số. Về hạ tầng truyền thông và chuyển phát, đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã được đầu tư đài truyền thanh và cụm loa đến các thôn, tổ dân phố; tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh truyền hình đạt 99,5%. 

Toàn huyện hiện có 25 điểm phục vụ bưu chính; 151 trạm BTS, cơ bản phủ sóng điện thoại di động và Internet đến 100% các thôn, bản, tổ dân phố; tỷ lệ dân số được tiếp cận dịch vụ di động 4G đạt 95%; tỷ lệ hộ dân có điện thoại thông minh tăng nhanh, đạt 65%. Đặc biệt, huyện đã được tỉnh đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại UBND huyện và UBND của 22 xã, thị trấn. 

Về dịch vụ công trực tuyến, Văn Chấn hiện có tổng số 411 thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó TTHC đạt mức độ 3 là 12; mức độ 4 là 94. Tổng số TTHC cấp xã là 119, trong đó TTHC đạt mức độ 3 là 4; mức độ 4 là 24. Việc khai thác sử dụng Cổng dịch vụ công của tỉnh đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, phục vụ tốt hơn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình giao dịch giải quyết TTHC trên địa bàn huyện.

Việc triển khai các nền tảng và cơ sở dữ liệu, ở góc độ chính quyền, đã triển khai nền tảng liên lạc và làm việc, hội nghị trực tuyến, chữ ký số; hòm thư điện tử công vụ, cho phép truyền nhận các loại dữ liệu như: file văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… 

Đến nay, 100% cán bộ, công chức trên địa bàn huyện có tài khoản sử dụng thư điện tử công vụ; 100% cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã, thị trấn đã thiết lập mạng LAN để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị và mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của huyện qua đường truyền Internet cáp quang băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 70%.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ (LGSP) của huyện đang được triển khai theo Đề án đô thị thông minh của tỉnh, bước đầu giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện thuận lợi trong việc tiếp cận kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh. 

Ở góc độ xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân trên địa bàn huyện đã chủ động tiếp cận, sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo… và hệ thống các sàn thương mại điện tử miễn phí để trao đổi thông tin, mua bán hàng qua mạng; ứng dụng thanh toán điện tử dựa trên nền tảng ngân hàng điện tử - Internet Banking để chi trả một số khoản phí sử dụng dịch vụ thiết yếu hàng tháng như: tiền điện, nước sinh hoạt. Huyện xác định 46 hạng mục cơ bản về CĐS của địa phương trong năm 2022. 

Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập Tổ CĐS cộng đồng tại 24/24 xã, thị trấn với gần 200 người tham gia; tại 199/213 thôn, bản, tổ dân phố với 1.057 người tham gia; Tổ CĐS cộng đồng đã tạo nhóm Zalo 24/24 xã, thị trấn; 154/213 thôn, bản, tổ dân phố; đã thành lập 20 câu lạc bộ CĐS tại các cơ quan, ban, ngành của huyện với tổng số 90 người tham gia.

"Để thực hiện thành công Đề án CĐS, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng nền tảng và các ứng dụng số thì rất cần sự vào cuộc tham gia khai thác, sử dụng trực tiếp các ứng dụng của mỗi tổ chức, cá nhân. Trước hết cần sự vào cuộc tiên phong của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; sự vào cuộc của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là vai trò hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên CĐS huyện, tổ CĐS cộng đồng các cấp”, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ thêm.
Hà Anh