Bám sát đồng ruộng để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/9/2022 | 1:55:07 PM

Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng, nóng xen lẫn mưa đã khiến nhiều diện tích lúa mùa ở các địa phương trong tỉnh bị nhiễm sâu bệnh. Đây cũng là thời điểm then chốt quyết định tới năng suất lúa; do đó, các địa phương và nông dân cần tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm các loại sâu bệnh, diệt trừ tận gốc không để lây lan trên diện rộng.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu bệnh gây hại lúa mùa.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra sâu bệnh gây hại lúa mùa.

Xuất hiện nhiều đối tượng gây hại

Vụ mùa 2022, toàn tỉnh gieo cấy trên 22.125 ha lúa nước, bằng 100,25% kế hoạch; trong đó, trà lúa mùa sớm gieo cấy được trên 1.000 ha. Hiện nay, trà I đang ở giai đoạn làm đòng, trỗ bông; trà II ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, đứng cái.

Tuy nhiên, do thời tiết mưa, nắng xen kẽ nên trên đồng ruộng xuất hiện nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại trên các trà lúa như: sâu cuốn lá nhỏ diện tích nhiễm 233 ha, bệnh khô vằn diện tích nhiễm 848 ha, sâu đục thân bướm 2 chấm diện tích nhiễm 46 ha; chuột gây hại 26 ha, bọ xít dài diện tích nhiễm 16 ha, bệnh đốm sọc vi khuẩn diện tích nhiễm 165 ha (nhẹ), bệnh bạc lá diện tích bị nhiễm 78 ha, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông gây hại tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. 

Theo đánh giá, bệnh khô vằn  không gây mất trắng mà chỉ ảnh hưởng đến năng suất lúa nhưng điều đáng lo ngại là nhiều địa phương, rầy nâu, rầy lưng trắng đợt mới đã xuất hiện. 

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 314 ha lúa nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ trung bình 500 con/m2, nơi cao 1.500 con/m2 tập trung ở các địa phương: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. 

Nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, điều kiện thời tiết còn diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, cần đề phòng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn.

Các biện pháp phòng trừ

Ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Năng suất lúa được quyết định trong vòng 45 ngày cuối cùng của chu kỳ sinh trưởng nên đây sẽ là khoảng thời gian quyết định tới thắng lợi; là giai đoạn xung yếu, nhạy cảm nhất đối với tình hình sinh trưởng do đang giai đoạn trỗ đòng, chắc hạt của lúa mùa. Trước thực tế này, đơn vị đã ban hành văn bản về việc tăng cường chỉ đạo phòng trừ dịch hại cuối vụ trên cây lúa vụ mùa năm 2022”. 

Theo đó, Chi cục đề nghị trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan chuyên môn liên quan tăng cường chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên thực hiện công tác điều tra, phát hiện dịch hại trên đồng ruộng; nắm chắc diễn biến của từng đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời không để lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, cần lưu ý các vùng ổ dịch, vùng trọng điểm, vùng thâm canh cao, các giống nhiễm...  

Khi mật độ (tỷ lệ) dịch hại cao, thực hiện hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, khoanh vùng diện tích có mật độ rầy cao của các trà lúa, đặc biệt chú ý diện tích lúa tại địa bàn các huyện và xã vùng cao. 

Không lạm dụng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên khi mật độ rầy gây hại cao có thể sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ như: Actara 25 WG; Bassa 50 EC; Aremec 45 EC; Shertin 5.0 EC... Sau khi phun thuốc 1 - 2 ngày phải kiểm tra, nếu mật độ rầy còn cao tiếp tục phun lần 2 (lần 2 phun sau lần 1 từ 5 đến 7 ngày). 

Khi phun thuốc, dùng sào nứa rẽ hàng phun trực tiếp vào gốc thân cây lúa nơi rầy tập trung gây hại để tăng hiệu quả phòng trừ. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, kiểm tra đồng ruộng nếu thấy mật độ sâu cuốn lá nhỏ gây hại cao, có thể sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ như: Clever 150 SC, 300 WG; Catex 3.6 EC,100 WG; Rholam 20 EC; Comda gold 5 WG... 

Phun khi sâu non tuổi nhỏ để tăng hiệu quả phòng trừ. Đối với bọ xít dài thường gây hại trên cây lúa ở giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa, nông dân có thể sử dụng một trong các loại thuốc để phòng trừ như: Soka 25 EC, Eska 250 EC; Sida 20 WP; Chersieu 50 WG; Fastac 5 EC... 

Đối với bệnh khô vằn sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ như: Anvil® 5 SC; Trobin 250 SC; Amistar Top® 325 SC; Starone 20 WP; Tilt Super® 300 EC. 
 
Thông Nguyễn