Văn Yên tiếp tục gỡ khó cho giáo dục vùng khó

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2022 | 1:59:28 PM

YênBái - Ngành giáo dục huyện và mỗi xã đã sáng tạo các giải pháp để giúp học sinh vùng đặc biệt khó khăn khi hàng loạt học sinh tại huyện Văn Yên ra khỏi diện hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo các Quyết định 861 và 612.

Giáo viên Trường Tiểu học &THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên đến nhà vận động học sinh bị tác động bởi Quyết định 861 ra lớp.
Giáo viên Trường Tiểu học &THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên đến nhà vận động học sinh bị tác động bởi Quyết định 861 ra lớp.

Trước thềm năm học 2021 - 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025. Tiếp đó, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 đã khiến hàng loạt học sinh tại một số xã của huyện Văn Yên bị tác động mạnh mẽ.

Theo các Quyết định 861 và 612, huyện Văn Yên còn 9 xã khu vực III (giảm xã Xuân Tầm); còn 4 thôn ĐBKK (giảm 45 thôn ĐBKK). Đến cuối năm 2021, xã Viễn Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó kể từ tháng 12/2021, có 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 900 lượt học sinh trên địa bàn xã Viễn Sơn thôi hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Dự báo đến hết năm 2025, khi huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã còn lại thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK sẽ tiếp tục bị tác động; trong đó, tiếp tục có 1.054 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 11.000 học sinh thôi hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Huyện xác định đây là một chủ trương lớn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội; thúc đẩy người dân nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo; giảm áp lực chi từ nguồn ngân sách của Nhà nước, tuy nhiên lại tác động rất lớn đến đời sống của một bộ phận nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đặc biệt là chế độ, chính sách đối với học sinh; ảnh hưởng lớn tới công tác huy động, duy trì số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục... Đặc biệt, sẽ gặp khó khăn để duy trì huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 do tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xóa mù chữ ở các xã khu vực I và khu vực III khác nhau. Từ đó, sẽ tác động ngược trở lại đối với công tác xây dựng và duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới. 


Trước tình hình đó, Phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu, triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là UBND các xã trong việc tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng bị tác động để báo cáo UBND huyện, từ đó xây dựng các giải pháp thực hiện phù hợp. 

Tham mưu tổ chức hội nghị chuyên đề vừa để tuyên truyền các chính sách mới vừa để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm hoàn thành các mục tiêu giáo dục năm học 2021-2022 khi các xã được công nhận nông thôn mới”... 

Thực tế cho thấy, mỗi xã có những cách làm sáng tạo khác nhau như: tổ chức hội nghị mời cha mẹ học sinh có con em thuộc đối tượng ở bán trú, nay không còn được hưởng chế độ theo Nghị định 116 để tuyên truyền, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; một số xã thành lập các tổ khảo sát đến từng gia đình để gặp gỡ, truyên truyền tới cha mẹ học sinh và bàn giải pháp, sau đó tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết thực hiện. 

Ông Lưu Quang Lợi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Yên chia sẻ: "Các trường học vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tự nguyện góp công sức trong việc quản lý, chăm sóc học sinh bán trú; đồng thời, một số địa phương đề xuất phương án vận động xây dựng quỹ để hỗ trợ học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh ĐBKK. Phòng cũng kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hưởng ứng phong trào quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa, xe đạp,… để hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh ĐBKK có đủ điều kiện tối thiểu nhất để đến trường, yên tâm học tập”. 

Đồng thời, các trường cũng phát động phong trào "Tương thân tương ái” giai đoạn 2021-2025 nhằm giúp đỡ học sinh với phương châm "trường hỗ trợ trường”; "lớp hỗ trợ lớp”; "học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng DTTS. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh khắc phục khó khăn để tạo điều kiện cho con em được đến trường. Bên cạnh đó, vận động các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy được vai trò, tính tiên phong của cán bộ đảng viên; tinh thần, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể và đặc biệt là vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, sau một năm học triển khai thực hiện không có tình trạng học sinh bỏ học do bị tác động bởi thôi hưởng chính sách của Nhà nước. 

Những kết quả đó sẽ là tiền đề quan trọng để ngành GD&ĐT huyện Văn Yên tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Lê Loan Phượng