Yên Bái háo hức chờ khai hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2022 | 7:31:33 AM

YênBái - Thị xã Nghĩa Lộ những ngày này đã rộn ràng lắm rồi!Cờ hoa rực rỡ rợp trời miền Tây. Trong không gian ấy, mọi sinh hoạt của người dân Mường Lò tuy diễn ra bình thường nhưng trong lòng mỗi người phấn chấn lắm bởi sáng đi làm, tối đến lại đi tập cho màn đại xòe 2.022 người. Đi tới đâu cũng thấy mọi người vui vẻ bàn về đêm đại xòe, cùng nói về niềm tự hào xòe Thái được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quang cảnh sân khấu chính Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 trước ngày khai mạc.
Quang cảnh sân khấu chính Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 trước ngày khai mạc.

Có lẽ Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến - bản Cang Nà, phường Trung Tâm có một cảm xúc đặc biệt hơn cả. Dành cả cuộc đời để nghiên cứu, tìm hiểu, lưu giữ văn hóa Thái mà đặc biệt là phục dựng 6 điệu xòe cổ - nền tảng của Nghệ thuật xòe Thái Tây Bắc, giờ đây khi xòe Thái trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì với ông, đó là sự mãn nguyện lớn nhất. 

Ông tâm sự: "Cái hôm UNESCO họp thông qua hồ sơ xòe Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa, nhưng đến xòe Thái Tây Bắc thì tiếng búa của ông chủ tọa vang lên một tiếng "bưng” rất to, chúng tôi có mặt tại đó vỡ òa sung sướng. Giây phút đó, tiếng búa đó làm tôi liên tưởng tới âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng bản làng mình trước mỗi giờ khai hội. Tôi cảm thấy tự hào vì công sức mình bỏ ra lưu giữ, truyền dạy xòe Thái đã có được kết quả rất to lớn, tự hào vì nét văn hóa của dân tộc mình đã được cả thế giới vinh danh”.

Dù đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe có phần yếu hơn, nhưng ông Biến vẫn nhiệt tình tư vấn cho đơn vị tổ chức để đảm bảo các chi tiết trong vở đại nhạc kịch dân vũ "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” đúng chuẩn của văn hóa Thái. 

Chị Hà Thanh Tâm - trợ lý đạo diễn Chương trình chia sẻ: "Chúng tôi đến tham vấn xin ý kiến của cụ cho các chi tiết dù nhỏ nhất trong chương trình. Cụ rất nhiệt tình chỉ bảo và đi cùng chúng tôi tới một số xã như Hạnh Sơn, Nghĩa Sơn để tìm và mượn những vật dụng đặc trưng của các dân tộc vùng Mường Lò phục vụ cho chương trình nghệ thuật. Chương trình sẽ mang tới cho khán giả màn tái hiện chân thực nhất của văn hóa Thái và cộng đồng các dân tộc Mường Lò từ những chi tiết nhỏ nhất trở đi”.


Một tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò. 

Mỗi người một phần việc, mỗi người một nhiệm vụ được phân công rõ trong các văn bản chỉ đạo từ tỉnh tới địa phương, tất cả công việc cứ thế triển khai nhịp nhàng cho đêm khai hội. Chị Quách Thị Nga - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ, người tổng chỉ đạo cho màn đại xòe trong đêm vinh danh ngày 24/9 tới đây cho biết, đã gần một tháng nay mỗi ngày làm việc của chị đều kết thúc vào khoảng 11 giờ đêm. 

Chị chia sẻ: "Không phải chỉ một mình tôi làm việc tới giờ đó mà rất nhiều những đồng nghiệp của tôi và đặc biệt là 2.022 diễn viên quần chúng cũng vậy. Trong nhiều năm qua, Nghệ thuật Xòe Thái có một vị trí quan trọng trong đời sống, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, người ta có thể múa xòe trong bất cứ cuộc vui nào. Do vậy, việc lựa chọn 2.022 diễn viên tham gia rất dễ dàng, họ xung phong và tham gia nhiệt tình, say sưa, đầy trách nhiệm để tập luyện màn đại xòe đảm bảo chất lượng, ý nghĩa, tôn vinh được vẻ đẹp nhất, góp phần làm nên thành công của đêm vinh danh xòe Thái”. 

Là một trong 2.022 diễn viên quần chúng thực hiện màn đại xòe, chị Lò Thị Thắm - xã Nghĩa An đã rất tích cực tham gia tập luyện, dù những ngày này gia đình chị vẫn còn đang bận các công việc đồng áng.

Chị Thắm phấn khởi chia sẻ: "Ban ngày mình đi làm đất để chuẩn bị trồng màu, tối đến mình cùng các chị em trong bản đến đây tập xòe. Mình tham gia múa đại xòe nhiều năm rồi. Mình thích lắm. Năm nay, xòe được vinh danh là Di sản văn hóa của thế giới, mình rất tự hào. Mình sẽ tiếp tục múa xòe và dạy xòe cho con cháu”. 

Tâm trạng tự hào xòe Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là cảm xúc của tất cả người dân Mường Lò lúc này. 

Anh Nguyễn Quốc Việt - phường Trung Tâm không phải là người Thái, song anh cũng rất phấn khởi: "Tự hào lắm chứ! Dù không phải là người Thái nhưng sống tại đây nhiều năm, xòe Thái cũng ngấm vào mình rồi. Không biết đủ 6 điệu xòe cổ, nhưng những ngày vui của bản làng mình vẫn có thể hòa cùng bà con làng xóm vui điệu xòe. Con gái mình ở trường cũng được thầy cô dạy múa xòe, cháu thích lắm và có hẳn một bộ trang phục Thái để mặc mỗi khi trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa”.

Đã mấy tuần nay, tối nào cũng vậy cứ đến 19h30 là tiếng nhạc lại vang lên như mời gọi mọi người đổ về Sân vận động thị xã. 2.022 diễn viên từ khắp các bản làng trong vùng Mường Lò đều tụ về đây, chưa phải là buổi diễn chính thức nhưng các bà, các chị đều mang những bộ trang phục đẹp, với khuôn dung tươi tắn nhất để tập luyện như đêm nào cũng là đêm hội vậy. Chẳng thế mà du khách tới đây những ngày trước lễ hội đều cảm nhận được không khí hoành tráng của lễ vinh danh dù chưa diễn ra. 

Gia đình chị Nguyễn Thúy Hạnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã có buổi trải nghiệm dù lượn tại đèo Khau Phạ và trở về Nghĩa Lộ thưởng thức không gian văn hóa Thái. Chị rất hài lòng với lịch trình và những trải nghiệm của gia đình tại Mường Lò. 

Chị chia sẻ: "Thật tuyệt vời! Dù không được dự lễ hội chính thức vinh danh xòe Thái tại đây, nhưng những gì hiện giờ chúng tôi cảm nhận được là rất rõ ràng sự hoành tráng của lễ hội. Đến đây thấy các cô gái Thái với những bộ trang phục đẹp mắt, uyển chuyển trong điệu múa xòe mới thú vị làm sao. Hàng nghìn người vậy mà họ múa đều tăm tắp. Tôi thích điệu tung khăn lên, lúc ấy cả sân vận động rực rỡ sắc màu. Tôi đã tưởng tượng ra một lễ hội hoành tráng rồi đó. Chúc mừng người dân Mường Lò có xòe Thái là di sản văn hóa của thế giới”. 


Các diễn viên quần chúng tham gia màn diễu diễn đường phố. Đây là màn nghệ thuật kết hợp giữa dân gian và hiện đại thể hiện những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Mường Lò. 
 
Cụ bà Đường Thị Thâng năm nay 94 tuổi ở xã Phúc Sơn đã nhờ cháu chở xuống Sân vận động thị xã để xem tập đại xòe. Bà phấn khởi nói: "Nhà tôi cách sân vận động 6 ki-lô-mét, nhưng tối nào tôi cũng xuống đây xem chị em tập luyện. Vòng xòe lớn quá. Tôi thấy các bác ở xã bảo xòe Thái được thế giới công nhận, tôi vui lắm và mong điệu xòe được lưu truyền mãi”. 

Ngay cả với Tổng đạo diễn của chương trình Vinh danh Xòe Thái với Chủ đề "Tinh hoa miền di sản” - đạo diễn Lê Hải Yến và ekip cũng cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi có duyên được trở lại với xòe, với đời sống của đồng bào dân tộc Thái, người dân Tây Bắc bởi cô đã từng thực hiện sự kiện Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào năm 2019 với vai trò là Tổng đạo diễn của chương trình. 

Cô chia sẻ: "Sự trở lại này với tâm thế rất khác, là bởi mang một sứ mệnh rất tự hào nhưng cũng vô cùng nặng nề là vinh danh xòe Thái khi nghệ thuật này đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Làm sao để thế giới không chỉ tò mò mà còn phải trầm trồ về di sản này. Từ đó góp phần tạo sự tiếp nối, phát huy mạnh mẽ hơn nữa nghệ thuật xòe trong đời sống đương đại, cho thấy sức sống mãnh liệt của nó trong cộng đồng”. 

Không chỉ có người dân Mường Lò - Nghĩa Lộ vui hội vinh danh xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà nhân dân khắp nơi trong tỉnh bằng nhiều hoạt động khác nhau cũng đang cùng hướng về Mường Lò, cùng tự hào về xòe Thái. 

Ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ: "Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự rất lớn của cả dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Thái nói riêng. Để bảo tồn và phát huy giá trị "Nghệ thuật Xòe Thái”, trong những năm qua, thị xã đã đưa vào dạy trong trường học, phát huy hơn nữa vai trò các nghệ nhân trong công tác truyền dạy thế hệ trẻ, phát huy vai trò của các đội văn nghệ thôn bản, tổ dân phố. Để căn cơ bài bản hơn nữa, tới đây khi đón nhận Bằng ghi danh, trên cơ sở chương trình công bố của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, của tỉnh, thị xã sẽ có những kế hoạch cụ thể, chi tiết để bảo tồn và phát huy "Nghệ thuật Xòe Thái”. Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các tiểu ban của Ban Chỉ đạo Lễ hội đã hoàn tất mọi công việc chuẩn bị cho Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội.

Bà Hoàng Thị Văn -  tổ Tông Co 3, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ: Tôi rất vui và tự hào khi biết tin xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để thôi thúc mọi người cùng lưu giữ xòe Thái, để ai cũng am hiểu, ai cũng yêu thích xòe Thái như mình. Tôi sẽ tích cực truyền dạy cho con, cháu và học sinh các trường học trên địa bàn. Tôi hy vọng tất cả mọi người cùng được tham gia xòe Thái, tất cả các dân tộc đều yêu thích xòe Thái.
Ông Oliver - du khách đến từ Pháp: Đây là lần đầu tiên tôi tới Nghĩa Lộ, cảnh đẹp, món ăn ngon, hấp dẫn, con người thân thiện. Văn hóa thì tuyệt vời, rất đặc sắc, nhất là điệu dân vũ xòe. Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi những trải nghiệm mà tôi chưa bao giờ có được. Tôi chắc chắn sẽ còn quay lại vì còn quá nhiều điều tuyệt vời mà tôi chưa khám phá được hết! 

Nhiều hoạt động hấp dẫn trong khuôn khổ sự kiện

Lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 được tổ chức ngày mai 24/9 là sự kiện văn hóa, du lịch ấn tượng và hoành tráng, vượt ra ngoài tầm địa phương cấp tỉnh. 

Lễ hội được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 vào 20h00 tại Sân vận động thị xã Nghĩa Lộ. Trong khuôn khổ sự kiện, có nhiều hoạt động hấp dẫn, mang đậm bản sắc Tây Bắc, vùng Mường Lò và nhiều thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Diễu diễn đường phố 

Màn diễu diễn đường phố có 450 diễn viên tham gia ở 9 khối trình diễn các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng các dân tộc của 4 tỉnh có "Nghệ thuật Xòe Thái” là Yên Bái, Điện Biên, Sơn La và Lai Châu. Để đảm bảo công phu, chu đáo, thị xã Nghĩa Lộ đã bố trí lực lượng diễn viên, địa điểm và thời gian tập luyện hợp lý. 

Với sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền các cấp cũng như sự tham gia nhiệt tình, sôi nổi đầy tâm huyết của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, tin tưởng rằng, màn diễu diễn đường phố năm nay sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch, góp phần tạo nên thành công cho Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội.

Không gian trưng bày, trình diễn văn hóa các dân tộc tại khu vực sân Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Nghĩa Lộ

Có 11 gian trưng bày của các địa phương trong tỉnh (thị xã Nghĩa Lộ 03 gian; các huyện, thành phố còn lại 8 gian); 3 gian của các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. 

Trong đó, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu, trưng bày triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Thái; trình diễn trích đoạn Lễ hội Xên bản, Xên mường; trình diễn các điệu múa xòe và múa sạp. 

Thành phố Yên Bái giới thiệu, trưng bày triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Kinh. 

Huyện Văn Yên giới thiệu, trưng bày triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Dao đỏ; trình diễn trích đoạn Lễ cấp sắc của người Dao đỏ.

Huyện Yên Bình là văn hóa dân tộc Dao quần trắng và các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống. 

Huyện Trấn Yên là văn hóa dân tộc Cao Lan, trình diễn trích đoạn Lễ hội cầu mùa. 

Huyện Văn Chấn là văn hóa dân tộc Khơ Mú. 

Huyện Trạm Tấu là văn hóa dân tộc Mông lềnh; trình diễn trích đoạn Lễ hội Gầu tào. 

Huyện Mù Cang Chải là văn hóa dân tộc Mông Si; trình diễn múa khèn, trích đoạn Lễ mừng cơm mới dân tộc Mông, huyện Mù Cang Chải. 

Huyện Lục Yên là văn hóa dân tộc Tày. Các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu tham gia trưng bày và trình diễn những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc Thái (lễ hội truyền thống, trang phục, nông cụ sản xuất, nghề thủ công; nghệ thuật trình diễn dân gian…). 

Ngoài ra trong khuôn viên của không gian này, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái phối hợp với Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trưng bày Triển lãm ảnh, tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP và ẩm thực Yên Bái năm 2022

Nhằm mục đích tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Yên Bái tổ chức những hoạt động xúc tiến thương mại: quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường. 

Đồng thời giới thiệu những thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của Yên Bái nói riêng và các tỉnh trong khu vực và trong cả nước nói chung... để thu hút các đối tác, doanh nghiệp quan tâm, hợp tác, đầu tư tại Yên Bái và các tỉnh khu vực Tây Bắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. 

Hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP và ẩm thực Yên Bái năm 2022 được tổ chức sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, du khách đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng tại địa phương có cơ hội tiếp cận các sản phẩm OCOP chất lượng cao của các doanh nghiệp trong khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh...

Triển lãm ảnh "Di sản Nghệ thuật Xòe Thái Việt Nam” và "Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” mở rộng năm 2022

Sẽ có 155 ảnh đẹp nghệ thuật, trong đó có 55 ảnh "Di sản Nghệ thuật Xòe Thái Việt Nam” và 100 ảnh "Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” trưng bày tại triển lãm. 

Đây là những cảm nhận sâu sắc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh trước xòe Thái và tài nguyên du lịch, các công trình, di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa dân gian; phản ánh một cách sinh động  nhất về miền đất, con người, những thành tựu trong đổi mới hôm nay của vùng Tây Bắc. 

Các tác phẩm ảnh tại triển lãm tạo nguồn tư liệu cho những hoạt động quảng bá du lịch nằm trong các sự kiện du lịch. Triển lãm cũng là dịp để Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ quảng bá về văn hóa, về bức tranh thay đổi, phát triển đi lên, hiện đại theo mục tiêu "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. 

Thanh Ba