Tiếp tục bảo tồn, nâng cao giá trị “Nghệ thuật Xòe Thái”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/9/2022 | 2:07:06 PM

YênBái - Việc UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào nhưng cũng trở thành nhiệm vụ lớn lao của cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi người dân trong công tác bảo tồn và tiếp tục nâng cao giá trị di sản văn hóa này.

Yên Bái cần tiếp tục quan tâm tới công tác bảo tồn, truyền dạy và lan tỏa những giá trị của
Yên Bái cần tiếp tục quan tâm tới công tác bảo tồn, truyền dạy và lan tỏa những giá trị của "Nghệ thuật Xòe Thái” trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Những ngày này, không chỉ thị xã Nghĩa Lộ mà các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất và bắt đầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Sự kiện đặc biệt này là sự ghi nhận của UNESCO với công tác bảo tồn, truyền dạy và lan tỏa những giá trị của "Nghệ thuật Xòe Thái” trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở khắp miền Tây Bắc Tổ quốc và thế giới. 

Bằng những việc làm và hành động cụ thể trong công tác bảo tồn, giờ đây, mỗi người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò luôn trân trọng và biết ơn những người đã sáng tạo, gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa đặc sắc của xòe Thái. 

Việc UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào nhưng cũng trở thành nhiệm vụ lớn lao của cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi người dân trong công tác bảo tồn và tiếp tục nâng cao giá trị di sản "Nghệ thuật Xòe Thái” để xòe thấm sâu vào đời sống tinh thần, được lan tỏa, truyền dạy trong cộng đồng; không để nghệ thuật Xòe Thái bị mai một, biến dạng trước sự biến chuyển mạnh mẽ, không ngừng của đời sống xã hội hiện nay.

Để bảo tồn, nâng cao hơn nữa giá trị của "Nghệ thuật Xòe Thái”, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện tốt hơn nữa việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các địa phương, cơ quan chức năng, cộng đồng và mỗi người dân trong bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản "Nghệ thuật Xòe Thái”.

Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa, phát huy khả năng, trí lực, trách nhiệm của người lưu giữ hồn dân tộc Thái ở Mường Lò để truyền dạy trong các trường học, qua các đội văn nghệ quần chúng, các hội bảo tồn tri thức bản địa và cộng đồng dân cư tại địa phương.

Cần thực hiện tốt chính sách đãi ngộ với những người có công lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật múa xòe; cần duy trì và thành lập mới các câu lạc bộ, đội văn nghệ nhằm thu hút thế hệ trẻ tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, niềm đam mê đối với "Nghệ thuật Xòe Thái”... 

Đồng thời, cần gắn liền bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của xòe Thái với đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực… 

Đặc biệt, gắn bảo tồn và phát huy giá trị "Nghệ thuật Xòe Thái” với phát triển kinh tế - xã hội như: tiếp tục xây dựng các thôn, bản của đồng bào Thái; trong đó, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống gắn bó mật thiết với nghệ thuật múa xòe hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, tạo nguồn lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, thúc đẩy nỗ lực bảo vệ "Nghệ thuật Xòe Thái”, giữ gìn bản sắc riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 

Thành Trung