Rộng mở vòng xòe, nâng tầm di sản

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/9/2022 | 7:53:21 AM

YênBái - Vào với Mường Lò - Nghĩa Lộ, có ai không mê đắm cùng điệu dân vũ xòe Thái nồng say? Nhạc dặt dìu, nhịp nhàng những bước chân, ngời tươi bao trìu mến. Trao ánh mắt, tay đan tay, lời mời thiết tha nối vòng xòe thân ái… có một sức cuốn hút thật lạ kỳ! Xòe là múa, xòe là vui nên đượm đầy hạnh phúc trên gương mặt hân hoan.

Thiếu nữ Thái vui tươi trong nhịp múa xòe.
Thiếu nữ Thái vui tươi trong nhịp múa xòe.

Vui là múa, vui là xòe nên vòng xòe cứ rộng mở gắn kết cộng đồng thêm gần nhau. Múa xòe càng đông càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng càng bội thu… Xòe cho cây lúa trổ bông, xòe cho cây ngô to bắp, xòe cho con gà đẻ nhiều trứng, xòe cho trai gái thành đôi… 

Thể hiện niềm vui, hăng say và sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên của cuộc sống mưu sinh, tồn tại, phát triển qua nhiều thế hệ của dân tộc Thái đã hình thành những điệu xòe. Các động tác xòe uyển chuyển, nhịp nhàng đã mô phỏng chính những động tác lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Thái. 

Gần gũi và thân thuộc, múa xòe gắn với hoạt động lao động, sinh hoạt và không tách rời đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái. Là vậy nên xòe Thái trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của dân tộc Thái từ xa xưa đến nay. 

Những nghi lễ truyền thống quan trọng, dịp lễ, tết, vui hội… của đồng bào Thái đều không thể và không bao giờ thiếu xòe. Cộng đồng người Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đến nay vẫn giữ nguyên vẹn 6 điệu xòe cổ được coi là nguồn gốc của nghệ thuật dân vũ dân tộc Thái sau này và các nghệ nhân dân gian đã phát triển thành nhiều điệu xòe. 

Vòng xòe rộng mở cùng tình cảm ấm áp, thân thiện gọi mời chứa đựng tinh thần bình đẳng, không phân biệt, không khoảng cách, lạ thành quen. Vòng xòe cũng thể hiện tính cộng đồng bền chặt, gắn bó, đoàn kết, chung sức chung lòng. 

Xòe đã trở thành biểu tượng và mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa tinh thần qua các thế hệ, đặc biệt thể hiện sinh động, đậm nét về cách nghĩ, cách sống, nếp sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của dân tộc Thái.


Niềm vui của các đại biểu và nghệ nhân Xòe Thái trong giây phút "Nghệ thuật Xòe Thái” chính thức được UNESCO vinh danh.  

Vòng xòe  rộng mở gửi gắm tình cảm của cộng đồng dân tộc Thái luôn hướng tới một tương lai tươi sáng với khát vọng, mong ước về cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Khát vọng ấy tựa mạch nguồn tuôn chảy, tạo nên sức sống mãnh liệt từ thế hệ đi trước đến thế hệ hôm nay, từ thế hệ hôm nay tới thế hệ tương lai.

Xòe là một nét văn hóa đặc trưng rất riêng của cộng đồng dân tộc Thái Tây Bắc, bao gồm cả vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. Xòe Thái trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách, là dấu ấn, là bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái. 

Nét văn hóa đặc sắc của "Nghệ thuật Xòe Thái” được trao truyền, tiếp nối qua nhiều thế hệ bằng tình yêu mãnh liệt. Nền tảng quan trọng, vững chắc đó đã giúp Xòe Thái có cơ hội để phát triển mạnh mẽ khắp vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. 

Tình yêu với xòe là sự trân trọng, nâng niu, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người Thái cùng nhau bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống. Tình yêu với xòe xuất phát từ tình cảm đậm sâu, bền lâu của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Thái. 

Tình yêu ấy khó nói thành lời về một đời cống hiến, đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo của các nghệ nhân dân gian dân tộc Thái nhiều thế hệ dày công bảo tồn, truyền dạy. Tình yêu xòe Thái là tia lửa ấp iu, nhen lên trong trái tim mỗi người Thái rồi đượm bùng, cháy sáng ngọn lửa tự hào nguồn cội. Trong dòng chảy văn hóa của xã hội đương đại, vấn đề bảo tồn, phát huy "Nghệ thuật Xòe Thái” đặt ra hết sức cấp thiết. 

Đối với di sản này, từ những năm 1990 đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền và cộng đồng người Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ đã có nhiều biện pháp bảo tồn, giữ gìn, phát huy hiệu quả. Thị xã Nghĩa Lộ - nơi sinh sống tập trung của cộng đồng dân tộc Thái Yên Bái - đã thành lập, duy trì hàng trăm đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng. 


Nét văn hóa đặc sắc của "Nghệ thuật Xòe Thái” được trao truyền, tiếp nối qua nhiều thế hệ bằng tình yêu mãnh liệt.

Các nghệ nhân dân gian trở thành những "bảo tàng sống”, "tư liệu sống” và giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định công cuộc trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về "Nghệ thuật Xòe Thái”. 

Cộng đồng người Thái Nghĩa Lộ rất nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh quảng bá, truyền dạy gắn với phát triển du lịch nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy hiệu quả giá trị "Nghệ thuật Xòe Thái” trong cuộc sống. Yên Bái đã tổ chức thường niên Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò để đưa di sản văn hóa này gắn với phát triển du lịch địa phương. 

Đặc biệt, Nghệ thuật Xòe Thái đã được thị xã Nghĩa Lộ đưa vào tất cả các đơn vị trường học, kết hợp với xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc”. Hướng đi này thật sự mang theo nhiều kỳ vọng và hứa hẹn nhiều tốt đẹp trong tương lai cho "Nghệ thuật Xòe Thái”. 


Thị xã Nghĩa Lộ đã đưa Xòe Thái trở thành hoạt động thường xuyên trong các đơn vị trường học. 

Xòe Thái đã thật sự trở thành thương hiệu du lịch văn hóa của thị xã Nghĩa Lộ nói riêng, của Yên Bái nói chung. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái những năm gần đây đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có nhiều thế mạnh, được ưu tiên tập trung đầu tư. 

Lần lượt các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, Yên Bái đều ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cùng với xây dựng nhiều chính sách đặc thù ưu tiên, hỗ trợ phát triển du lịch. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được chú trọng đẩy mạnh. 
Yên Bái coi đây là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần, động lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” và gắn bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch, biến di sản thành tài sản, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quyết tâm phấn đấu xây dựng, trở thành thị xã văn hóa, du lịch và cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III vào năm 2025, Nghĩa Lộ đặt mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Thị xã Nghĩa Lộ đã phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch gắn kết với các địa phương khu vực miền Tây, phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc trưng, đa dạng. Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò tổ chức hàng năm với sản phẩm du lịch Xòe Thái đã được định danh, định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch quốc gia. 

Những năm qua, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò cùng với chuỗi hoạt động khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải càng tạo nên sức hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với miền Tây, đến với Yên Bái. Mỗi năm đều khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch mới đã cho thấy rõ tính năng động, sáng tạo, nắm bắt xu thế phát triển trong nước và thế giới trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế riêng có là hướng đi hiệu quả của du lịch miền Tây Yên Bái hiện nay. 

Có thể coi đó là sự phát huy sáng tạo, mang tinh thần đặc sắc của "Nghệ thuật Xòe Thái”: rộng mở liên kết, tôn trọng khác biệt, tiếp thu cái mới, bắt nhịp xu thế, hài hòa truyền thống và hiện đại để phát triển bền vững, nâng tầm giá trị.

Nguyễn Thơm