Yên Bái đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/10/2022 | 7:50:06 AM

YênBái - Nhằm nâng cao nhận thức của đông đảo nhân dân về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thời gian qua, Chi cục ATVSTP tỉnh luôn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, cụ thể.

Người dân mua hàng tại Winmart đường Quang Trung, thành phố Yên Bái kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi mua hàng.
Người dân mua hàng tại Winmart đường Quang Trung, thành phố Yên Bái kiểm tra thông tin sản phẩm trước khi mua hàng.

Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về ý thức chấp hành pháp luật ATVSTP, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và nói không với thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn.

Hiện, Chi cục ATVSTP tỉnh trực tiếp quản lý 82 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 45 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 51 bếp ăn tập thể. Để nâng cao chất lượng ATVSTP, ngay từ đầu năm, Chi cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền trong các đợt cao điểm như tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm; xây dựng các phóng sự, tin bài kịp thời phản ánh các thông tin về sự cố an toàn thực phẩm trên địa bàn. 

Cùng đó, qua 8 tháng năm 2022, Chi cục cũng in sao 183 băng đĩa tuyên truyền VSATTP gửi các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm treo 8 băng zôn tại địa bàn thành phố Yên Bái hưởng ứng "Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm" năm 2022. 

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP, Chi cục đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở 3 lớp tập huấn về công tác bảo đảm ATVSTP cho 300 học viên thuộc các bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục trong tỉnh; tổ chức 1 lớp tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho 60 học viên thuộc các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, đã góp phần tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn; đồng thời, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Chị Hoàng Thị Mai ở tổ dân phố số 3 phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Qua xem các thông tin về ATVSTP của tỉnh trên các kênh thông tin truyền thông chính thống của tỉnh, khi mua hàng tôi lựa chọn những cơ sở kinh doanh uy tín và luôn kiểm tra các thông tin về nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm có được in trên bao bì hay không”.

Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Chi cục VSATTP cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và chủ động phối hợp và thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra được nâng cao rõ rệt, thể hiện ở các vi phạm được phát hiện và xử lý. 

Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thành lập 9 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định về ATVSTP trong các cơ sở, sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát mối nguy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kiểm tra hậu kiểm tại 142 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm 15 cơ sở với số tiền 48,5 triệu đồng; yêu cầu một số cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung có mẫu có mối nguy thu hồi sản phẩm; xử lý vi phạm hành chính 3 cơ sở vi phạm VSATTP với số tiền gần 2,1 tỷ đồng. 

Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cho biết: trong các đợt kiểm tra, hành vi vi phạm ATVSTP chủ yếu là vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm. Sau khi xử lý theo quy định, đoàn kiểm tra đã tuyên truyền, nhắc nhở chủ cơ sở và yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại để bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình kinh doanh và yêu cầu cơ sở tiêu hủy tại chỗ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng. 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo ATVSTP, thời gian tới, Chi cục ATVSTP tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSTP, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thay đổi trong nhận thức và hành vi về an toàn thực phẩm của cả cộng đồng; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng VSATTP; tích cực huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Lê Thương