Tiếp tục rà soát, sơ tán người dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/10/2022 | 2:39:11 PM

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cập nhật thường xuyên, liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Tiếp tục rà soát, sơ tán người dân ở ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo nhanh sáng 15/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa, lũ đã gây ngập lụt tại nhiều khu vực của Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng. Cụ thể, tại Thừa Thiên Huế, 11.200 nhà bị ngập sâu từ 0,3-0,8m. Tại TP. Đà Nẵng, hầu hết các khu vực trung tâm thành phố ngập sâu từ 0,5-1,5m, cục bộ có nơi trên 2,0m; đêm 14/10 thành phố đã cắt điện để đảm bảo an toàn. Hiện các tuyến đường trong thành phố nước đã cơ bản rút, điện đã được khôi phục.

Triển khai ứng phó với thiên tai, các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã di dời 3.305 hộ/9.515 người đến nơi an toàn. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sơ tán 2.546 hộ/7.466 người ra khỏi khu vực ngập sâu. Thành phố Đà Nẵng đã sơ tán 627 hộ/1.432 người ra khỏi khu vực ngập sâu. Tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán 132 hộ/ 617 người ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Hiện các tỉnh, thành phố đang theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để tổ chức sơ tán dân đảm bảo an toàn.

Về tình hình giao thông, 6 điểm QL1A, 3 điểm QL49B thuộc Thừa Thiên Huế ngập sâu 0,2-0,6m; đã cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập.

Các tuyến tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 5, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 19, tỉnh lộ 25 và nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Nam Đông, Thành phố Huế, Phú Lộc có nhiều điểm bị ngập từ 0,3-0,8m.

Tàu SE7 (Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh)/183 người đang tạm dừng ở ga Huế. Hầm đường bộ đèo Hải Vân đã phải tạm đóng từ 21h ngày 14/10, đến 6h ngày 15/10 đã mở trở lại.

Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ ngày 15/10 đến hết ngày 16/10, ở khu vực từ phía Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và dông; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to. Cụ thể, khu vực phía Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế mưa 70-150mm, có nơi trên 200mm. Khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm.

Hiện nay, lũ trên các sông Thừa Thiên Huế, Quảng Nam ở mức báo động 2 - báo động 3, riêng sông Hương tại Kim Long đã đạt đỉnh trên báo động 3và đang xuống chậm.

Cảnh báo, từ đêm 15/10 đến ngày 17/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-7m, hạ lưu từ 1,5-4,0m. Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Quảng Nam khả năng lên mức báo động 2 -  báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông ở Quảng Bình, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai lên mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 3.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương cập nhật thường xuyên, liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Tiếp tục rà soát, sơ tán người dân ở ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chú ý đảm bảo an toàn, vệ sinh, an ninh trật tự nơi sơ tán.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người như trong những ngày vừa qua; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến người dân, nhất là tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam để chủ động ứng phó. Tạm dừng các công trình thi công có nguy cơ xảy ra sự cố; bố trí thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, nhất là thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.

Bám sát diễn biến lưu lượng về hồ chứa để điều tiết giảm lũ cho hạ du đảm bảo phù hợp và an toàn cho công trình và hạ du, nhất là các hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền (Thừa Thiên Huế). Kịp thời cung cấp hàng hoá, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân ở khu vực bị ngập lụt, chia cắt.

Tổ chức tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Sẵn sàng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường ngay khi nước rút.

(Theo dangcongsan.vn)