Bệnh “xuyên tạc”

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/11/2022 | 7:27:27 AM

Sau cuộc họp chi bộ vừa qua, đồng chí bí thư có gọi M. ra nói chuyện: “Tôi nghe nói đồng chí vừa rồi đi học nâng cao trình độ đạt kết quả cao, rất đáng khen ngợi. Thế nhưng, cũng cần chú ý để tránh có người lại nói mình không khiêm tốn”. Nghe vậy, bao nhiêu bức xúc trong lòng M. hiện cả ra mặt.

Chẳng là, trong cuộc họp chuyên môn khi M. và H. cùng đưa ra phương án triển khai công việc, sau khi cân nhắc cuối cùng lãnh đạo chọn phương án của M. để thực hiện. Kết quả thu được khiến lãnh đạo rất hài lòng. 

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu H không đem việc thảo luận chuyên môn, lựa chọn phương pháp ra "tuyên truyền” với các cán bộ khác rằng, phương án của M. sở dĩ được chọn một phần vì cái danh đi học đạt thành tích cao, cộng thêm việc M. muốn "thể hiện” nhằm tạo bàn đạp cho đợt lựa chọn lãnh đạo phòng sắp tới. Chuyện là thế, ấy vậy mà nhiều người lại tin vào lời tuyên truyền, xuyên tạc của H. xì xào bàn tán, thông tin đến cả bí thư chi bộ.

Xuyên tạc là "căn bệnh” trầm kha và phổ biến. Mặc dù, đây cũng là một trong những điều đảng viên không được làm, nhưng vẫn có không ít cán bộ, đảng viên mắc phải. Mới đầu chỉ là xuyên tạc cho vui miệng, cho có chuyện để khơi, nhưng khi bệnh ngày càng nặng hơn thì nó ngấm vào mạch tư duy và đẩy cốt truyện đi xa. Nhưng điều quan trọng là, lời xuyên tạc thường mang nặng tâm - khẩu - ý của người dẫn chuyện, biến hóa theo ý đồ cũng như đích cuối cùng của nó là làm cho người nghe tin tưởng vào những gì mà người dẫn chuyện đẩy đưa. 

Các cụ vẫn dạy :"Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một sờ". Nếu không chạm được tay vào sự thật thì những người vốn không kiên định, cả tin dễ dần thuận theo những thông tin xuyên tạc và gần thì nhìn nhận sai lệch về một con người, một tổ chức, còn xa thì có thể là đánh giá sai lệch về một ý tưởng, quan điểm. Chính điều này dẫn tới sai lệch trong nhận thức, kéo con người ta đi chệch hướng với lẽ phải và sự công minh.

Biểu hiện của những người mắc "bệnh” xuyên tạc là ngôn ngữ giảo hoạt, khả năng tạo kịch tính cao, lối dẫn dắt truyện thì đi vào lòng người. Người xuyên tạc có dụng tâm lôi kéo người khác bằng các luận điệu với vỏ bọc là các triết lý có thể chạm tới đức tin của người nghe. Họ lồng ghép giữa giả thật, thật giả khiến người nghe bị cuốn vào vòng xoáy mà ở đó, thật giả khó phân định. Thế nhưng, điều khiến cho "căn bệnh” này được lan nhanh, lan xa, lan sâu rộng lại chính ở sự cổ xúy của người nghe. 

Ở con người vốn luôn tồn tại cái gọi là tính hiếu kỳ và xuyên tạc chính là "chất xúc tác” của sự hiếu kỳ. Người ta chỉ bị hấp dẫn bởi những gì được truyền đạt lại một cách màu mè và đôi khi còn phi thực tế, nhưng sự phi thực tế đó lại dễ dàng được chấp nhận bởi cảm xúc của người nghe khi đã thỏa mãn sự hiếu kỳ.

Cần kiên quyết lên án những hành vi xuyên tạc, bởi thực tế cho thấy những người cố tình xuyên tạc sự thật đều không xuất phát từ mục đích tốt đẹp cho tập thể, cộng đồng. Họ có dụng ý riêng, thường là muốn bôi nhọ cá nhân hay tổ chức nào đấy. Họ dùng tư duy, cách nhìn nhận của cá thể áp đặt cho tập thể. Đây chính là biểu hiện của sự thiếu học hỏi, trau dồi kiến thức khiến cho những lối tư duy sáo mòn vẫn không được mở mang. Không dừng ở đó, họ còn cố chấp không thừa nhận việc "lười” hấp thụ những kiến thức mới, những điều tốt đẹp bằng việc lôi kéo người xung quanh cùng có chung cách tư duy sao cho giống họ.

Thiết nghĩ, sự việc nêu trên sẽ chẳng có gì nếu H. chọn cách cởi mở, thẳng thắn trao đổi trực tiếp như cách đồng chí bí thư nói chuyện với M. Cách nhìn nhận, đánh giá về con người, sự vật, sự việc của mỗi người đều không giống nhau, nhưng nếu dựa trên nguyên tắc lấy hiệu quả công việc, lấy lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia làm đích đến thì việc tìm ra tiếng nói chung là hoàn toàn có thể.

(Theo Tạp chí Cộng sản)