Khơi nguồn cảm hứng, say mê học lịch sử

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2022 | 7:32:27 AM

YênBái - Trước nay, môn Lịch sử vốn bị gắn mác là môn học khô khan, cứng nhắc, phải học thuộc lòng nhiều mốc thời gian, sự kiện lịch sử. Nhưng nay, để khơi nguồn cảm hứng, say mê học lịch sử cho học sinh, các thầy cô giáo đã có nhiều phương pháp giảng dạy mới, sáng tạo, dễ hiểu, dễ nhớ, học lý thuyết đi đôi với hoạt động trải nghiệm thực tế sinh động…

Hoạt động ngoại khóa của Câu lạc bộ Lịch sử Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành qua mô hình STEM.
Hoạt động ngoại khóa của Câu lạc bộ Lịch sử Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành qua mô hình STEM.

Đến Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái chúng tôi được tham gia giờ học Lịch sử của Lớp 10 chuyên Sử - Địa với nhiều hoạt động sôi nổi như: thảo luận nhóm, xây dựng bài thuyết trình. Nhờ đó, học sinh luôn chủ động tìm hiểu kiến thức trong sách, xây dựng bài thuyết trình trước lớp và lắng nghe lời nhận xét, góp ý từ giáo viên xoay quanh nội dung bài học. 

Em Nguyễn Minh Thư, học sinh Lớp 10 chuyên Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Hoạt động thảo luận nhóm trên lớp giúp chúng em được trao đổi, nêu ý kiến cá nhân về các sự kiện Lịch sử. Tổng hợp và thống nhất chung cùng nhau xây dựng bài thuyết trình sáng tạo với nhiều nội dung, sự kiện được truyền tải qua hình ảnh chân thực, sinh động”. 

Chương trình giáo dục mới đã mang đến sự thay đổi rõ rệt cho môn Lịch sử và yêu cầu đặt ra của thầy cô giáo là làm thế nào để học sinh say mê tìm tòi, khám phá môn học, không đặt nặng lý thuyết trong sách vở mà liên hệ thực tế nhiều hơn. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: "Những phương pháp giảng dạy mới giúp học sinh luôn chủ động tìm hiểu bài học, nâng cao kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm. Bên cạnh đó, các em cũng tích cực tham gia Câu lạc bộ (CLB) Lịch sử của Trường thường xuyên tổ chức những buổi ngoại khóa tham quan khu di tích, bảo tàng, cuộc thi sáng tạo mô hình STEM, cuộc thi tập làm hướng dẫn viên bảo tàng... giúp các em chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức theo hướng đa chiều”. 

Đối với Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên, môn Lịch sử giờ đã trở thành niềm say mê, yêu thích của các em học sinh. Cô Lê Thị Trang - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: "Tôi đã tìm hiểu và ứng dụng hiệu quả các trò chơi, trả lời nhanh câu hỏi trên phần mềm giáo dục trực tuyến, tạo không khí hào hứng, thoải mái để học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng”. 

Bên cạnh đó, cô Trang cũng kết hợp một số phương pháp giảng dạy truyền thống như vẽ sơ đồ tư duy, sưu tầm các video, tư liệu để giúp học sinh có cái nhìn trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ. 

Cùng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, các thầy cô còn phân loại học tập của học sinh, tập trung ôn tập kiến thức trọng tâm cơ bản. Đối với học sinh có nhu cầu thi cao đẳng, đại học, cô Trang soạn riêng giáo án nâng cao, tổng hợp đề thi từng năm để các em làm tài liệu tham khảo. Hiểu rõ nhu cầu của từng học sinh giúp cô Trang đưa ra giáo án, cách đánh giá phù hợp với các em, từ đó học sinh không còn cảm thấy gò bó, nặng nề khi học Lịch sử. 

Em Nguyễn Hương Giang - học sinh Lớp 12A3, Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: "Trước đây, em thấy môn Lịch sử có nhiều mốc thời gian, nhân vật cần ghi nhớ rất nhàm chán, khô khan. Thế nhưng nhờ phương pháp giảng dạy mới của các thầy cô mà môn Lịch sử đã trở nên hấp dẫn, thú vị khiến em ngày càng yêu thích và say mê môn học này”.

Từ năm học 2022 - 2023, Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT với nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy. Điều này đòi hỏi giáo viên Lịch sử phải tư duy, sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng, tổ chức trò chơi, hoạt động ngoại khóa, tham quan khu di tích, bảo tàng... 

Qua những phương pháp giảng dạy dễ hiểu, dễ nhớ, học lý thuyết đi đôi với hoạt động trải nghiệm đã giúp học sinh thêm yêu thích, say mê môn Lịch sử để các em biết trân trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bùi Minh