Đột quỵ có thể tầm soát và phục hồi tốt nếu phát hiện sớm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2022 | 7:33:48 AM

80% trường hợp đột quỵ có thể phòng tránh được nếu tầm soát sớm và gần 60% trường hợp sẽ phục hồi tốt nếu can thiệp cấp cứu kịp thời.

Chụp MRI 3 tesla tầm soát đột quỵ từ sớm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
Chụp MRI 3 tesla tầm soát đột quỵ từ sớm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.

Thông tin trên vừa được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến: "Tầm soát đột quỵ và cấp cứu đột quỵ bằng kỹ thuật hiện đại" vào tối 22/11 do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Buổi tư vấn đã thu hút trên 10.000 lượt xem trực tiếp và xem lại cùng hàng trăm câu hỏi gửi về.

TS. BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng ngày đơn vị này tiếp nhận hàng chục trường hợp dưới 50 tuổi đến khám và tầm soát đột quỵ. Người bệnh có các dấu hiệu, yếu tố nguy cơ như thiếu máu não gây đau đầu, chóng mặt, yếu tứ chi, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường...

Trong đó, nhiều trường hợp có dấu hiệu của cơn đột quỵ thoáng qua (TIA) như yếu liệt tay chân nhẹ, khó nói, mắt nhìn mờ. Các bác sĩ chỉ định chụp MRI 3 Tesla tìm ra các bất thường liên quan ở não, thời gian khởi phát mà người bệnh không tự nhận biết. Dựa vào kết quả, bác sĩ có giải pháp can thiệp điều trị, phòng ngừa đột quỵ xảy ra.

TS.BS Nguyễn Minh Đức cho biết thêm, cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có một người có nguy cơ bị đột quỵ. Đột quỵ là tình trạng gián đoạn dòng máu lên não, làm chết các tế bào não. Nguyên nhân có thể xuất phát từ vỡ hay tắc nghẽn mạch máu não. Thông thường, nguyên nhân đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não chiếm tỉ lệ nhiều hơn (80-85%).

Để tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, theo BSCK2 Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Đơn vị Hình ảnh học Thần kinh, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI), cắt lớp vi tính (CT) và siêu âm Doppler não giữ vai trò quan trọng.

Người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng, hỏi tiền sử, bệnh cảnh, tiên lượng bệnh… và cho chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Điển hình là chụp MRI 3 tesla công nghệ cao cho phép thấy rõ cục máu đông, các dị dạng mạch máu, tĩnh mạch, những túi phình mạch máu, các tổn thương u não, viêm não, huyết khối tĩnh mạch, đánh giá teo não, tổn thương não… mà những kỹ thuật thông thường khác không phát hiện được.

Chụp CT thế hệ mới 768 lát cắt sẽ giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh từ những tổn thương nhỏ nhất, đánh giá các bệnh lý mạch máu, phát hiện được các tổn thương như xuất huyết não, khảo sát mạch máu não, tầm soát phình mạch máu, dị dạng mạch máu não, đánh giá các chấn thương, khối u não bộ,...

Ngoài ra, theo BSCK2 Đàm Thị Cẩm Linh - Bác sĩ chuyên sâu về đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, tầm soát đột quỵ còn giúp kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy cơ như bệnh tăng huyết áp, mỡ trong máu, tiểu đường, bệnh van tim, rung nhĩ, hồng cầu liềm, các bệnh lý tăng đông, hẹp động mạch cảnh… Người bệnh sẽ được xét nghiệm đường huyết, công thức đông máu, điện tim, siêu âm tim, siêu âm mạch máu...

Tùy trường hợp cụ thể sẽ có các chỉ định tầm soát khác nhau, từ cơ bản đến chuyên sâu, nâng cao. Với tầm soát đột quỵ cơ bản, dành cho người dưới 40 tuổi, không có bệnh nền. Những trường hợp có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… sẽ được xét nghiệm lipid máu, đường huyết, tầm soát chức năng đông máu, gan, thận, siêu âm tim, siêu âm mạch máu…

Tầm soát đột quỵ nâng cao sẽ có thêm chụp MRI, CT não… để tìm kiếm các yếu tố nguy cơ hiếm gặp hơn, nghi ngờ nhu mô não có tổn thương, hẹp tắc dị dạng mạch máu não hoặc những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ…

Về cấp cứu đột quỵ,  nếu không may xảy ra, bác sĩ Cẩm Linh cho biết, "thời gian vàng" để cấp cứu đột quỵ hiệu quả, giúp tăng khả năng sống sót, hạn chế tối đa biến chứng cho người bệnh là trong vòng 4,5 giờ đầu. Tuy vậy, với sự phát triển của các kỹ thuật can thiệp hiện đại, giờ vàng xử lý đột quỵ có thể kéo dài hơn thậm chí trong 24 giờ. Tuỳ theo thời gian phát hiện, các kỹ thuật cấp cứu đột quỵ tương ứng sẽ được áp dụng phù hợp.

Ví dụ, người bệnh có thể được dùng thuốc tiêu sợi huyết nếu được cấp cứu trong 4,5 giờ đầu tiên. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc cho người bị đột quỵ quá 4,5 giờ đầu tiên hoặc người đột quỵ không rõ thời gian (Wake-up Stroke - đột quỵ trong lúc ngủ). Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cấp cứu đột quỵ giúp phá vỡ cục huyết khối, từ đó tái thông lại dòng chảy máu giúp máu có thể chảy đến não để cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi não. Có 2 nhóm chính là thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (đưa thuốc dần dần lên trên khu vực có cục huyết khối) và thuốc tiêu sợi huyết nội mạch (đường truyền dài từ động mạch bẹn dẫn đến nhánh động mạch não có huyết khối).

Người bệnh cũng có thể được cấp cứu bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch với máy chụp mạch máu số hoá xoá nền DSA hiện đại. BSCKI Dương Đình Hoàn - Bác sĩ Can thiệp mạch Thần kinh, Đơn vị Hình ảnh học Can thiệp, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, kỹ thuật này sẽ đưa dụng cụ từ động mạch đùi lên trên mạch máu não, tiếp cận vị trí tắc và sử dụng dụng cụ hút huyết khối (cục máu đông) bằng ống thông hoặc stent, lấy cục huyết khối ra, tái thông mạch máu não.

Để can thiệp, máy chụp DSA giúp xác định đường đi của mạch máu não, bác sĩ có thể thấy chính xác mạch máu não bị tắc ở đâu. Bác sĩ tiếp cận bằng cách luồn ống thông qua động mạch đùi và đưa dụng cụ lên trực tiếp vị trí tắc. Sau đó, bác sĩ sẽ chụp MRI kiểm tra, đánh giá lại tuần hoàn mạch máu lên não. Hoặc, nếu đột quỵ do phình vỡ mạch máu gây xuất huyết não, kỹ thuật nút mạch bít tắc dòng máu ngay tại vị trí mạch máu bị phình vỡ sẽ giúp can thiệp cấp cứu đột quỵ kịp thời cho người bệnh.

(Theo VTV)