Văn Yên nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2022 | 7:38:28 AM

YênBái - Với những thành quả đã đạt được từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Văn Yên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Người dân thăm quan, mua sắm tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên tại thị trấn Mậu A.
Người dân thăm quan, mua sắm tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên tại thị trấn Mậu A.


Để nâng tầm sản phẩm OCOP, huyện Văn Yên tập trung vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện chương trình theo hướng nâng chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, xã Nà Hẩu được thành lập đăng ký sản phẩm OCOP là Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để phát triển chăn nuôi cá tầm, gà đen, lợn bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách. 

Ông Giàng A Châu - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Để nâng tầm sản phẩm OCOP, cùng với hoạt động nuôi cá tầm, HTX đã hoàn thiện đường đi đến thác Suối Tiên, thác Bản Tát; xử lý môi trường, tôn tạo tuyến đường tạo thuận lợi cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm; tập trung đào tạo nhân viên hướng dẫn du lịch, xây dựng, hình thành và kết nối tua, tuyến để thu hút du khách đến khám phá trải nghiệm”. 

Nhờ những nỗ lực đó, tháng 4/2022, điểm du lịch cộng đồng Bản Tát được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm "Chuối tiến vua Yên Hợp” (quả tươi đóng hộp) của HTX Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều, đây còn là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, HTX vận động thành viên và nhân dân trong xã mở rộng diện tích, trồng và thu hái chuối theo quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Bà Trần Thị Tình - Giám đốc HTX cho biết: "HTX đã phối hợp với các cơ quan liên quan đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên và bà con nông dân”. 

Từ khi Chương trình OCOP được triển khai rộng khắp, từ năm 2019 đến năm 2021, trên địa bàn huyện đã có 25 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn OCOP, dự kiến đến hết năm 2022 sẽ có thêm 8 sản phẩm được công nhận.

Phải khẳng định rằng, chỉ qua vài năm thực hiện, Chương trình OCOP đã được lan tỏa rộng và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn cũng như khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế địa phương, góp phần phát huy, nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm.

Nhiều sản phẩm khác thông qua Chương trình OCOP không chỉ giúp cho các chủ thể là nông dân, doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. 

Để nâng tầm sản phẩm chủ lực của từng địa phương, cùng với xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương; vận dụng tối đa các chương trình, nghị quyết của trung ương, của tỉnh và có các cơ chế, chính sách giúp các chủ thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển và nâng cấp sản phẩm OCOP. 

Việc nâng tầm sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để nâng tầm các sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; sử dụng "Quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị doanh nghiệp, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm OCOP; trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao; có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu ra nước ngoài”.
Thanh Tân