Các địa phương Yên Bái tập trung phòng, chống đói, rét cho vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/12/2022 | 7:32:27 AM

YênBái - Theo dự báo, trong những ngày tới, trên địa bàn Yên Bái, nhiệt độ tiếp tục giảm sâu gây rét đậm, rét hại kéo dài. Việc chủ động phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi, thủy sản được các địa phương trong tỉnh đang được khẩn trương thực hiện.

Nhiệt độ xuống thấp, người dân ở Khao Mang đã đưa gia súc về chăn nuôi tại nhà.
Nhiệt độ xuống thấp, người dân ở Khao Mang đã đưa gia súc về chăn nuôi tại nhà.

GIỮ ẤM VÀ ĐẢM BẢO NGUỒN THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên nhiệt độ xuống khá thấp (dao động từ 11 - 14 độ C). Nhằm hạn chế tối đa vật nuôi bị chết do đói, rét, dịch bệnh UBND xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống. 

Việc bảo vệ đàn gia súc tránh bị chết đói, rét và dịch, bệnh trong mùa đông luôn là nhiệm vụ hàng đầu của ông Vàng A Chua ở bản Háng BLa Ha B. "So với vùng thấp, ở các bản vùng cao, mỗi khi mùa đông về và không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ xuống rất thấp, thường xuất hiện sương muối, băng giá. Để bảo vệ đàn vật nuôi, gia đình tôi đầu tư chuồng trại, nuôi nhốt tập trung, chuẩn bị đầy đủ thức ăn và tuyệt đối không thả rông trên nương”- ông Chua cho biết. 

Cùng như ông Chua, 11 con trâu, bò của ông Thào A Chống ở bản Xéo Mả Pán luôn được chăm sóc cẩn thận mỗi khi giá rét xuất hiện. "Gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn vỗ béo để bán. Vì vậy, yếu tố đảm bảo sức khỏe cho đàn trâu, bò trong mùa đông luôn được mọi người trong nhà đặc biệt chú trọng” - ông Chống chia sẻ.

Xã Khao Mang hiện có tổng đàn gia súc 6.167 con; trong đó, đàn trâu 859 con, bò 549 con, đàn lợn 4.759 và gần 18.000 con gia cầm. Bước vào mùa đông năm nay, thời tiết đang có nhiều diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi, nhất là bảo vệ đàn gia súc chính. 

Để ứng phó với thời tiết cực đoan và bảo vệ đàn vật nuôi có giá trị kinh tế cao của nhân dân, ngay từ trung tuần tháng 10, UBND xã Khao Mang đã ban hành Kế hoạch số 84 về công tác phòng, chống đói, rét, dịch, bệnh cho đàn vật nuôi năm 2022 - 2023 trên địa bàn; đồng thời, yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện phòng, chống đói, rét, dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm phải được phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành từ xã đến các bản và cả hệ thống chính trị; trong đó, người chăn nuôi đóng vai trò chủ đạo. 

Đồng chí Nguyễn Đức Toàn - Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Theo nhận định của cơ quan chuyên môn dự báo thời tiết, khí hậu mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Để bảo vệ cho đàn vật nuôi, xã đã họp và phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách bản tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống đói, rét và dịch, bệnh trên đàn vật nuôi. 

Trong đó, yêu cầu 100% hộ chăn nuôi tu sửa, gia cố lại chuồng trại nuôi nhốt gia súc. Những ngày trời rét đậm, rét hại phải sử dụng bạt dứa, hoặc tận dụng vật liệu khác có sẵn để che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc. 

Không để đọng nước trên nền chuồng, gạt băng giá phủ trên mái chuồng nuôi và thu gom băng giá xung quanh chuồng nuôi ra xa khu chăn nuôi để chống rét; vận động 100% hộ chăn nuôi dự trữ rơm, trồng ngô để lấy thân, lá làm thức ăn thô và chủ động bổ sung thức ăn tinh như ngô, cám gạo, cháo loãng kèm nước uống ấm để tiếp sức đề kháng cho gia súc. 

Ngoài ra, xã Khao Mang phối hợp với các lực lượng chức năng, các phòng, ban chuyên môn của huyện làm tốt công tác quản lý, kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; nhắc nhở người dân chủ động tiêm phòng vắc - xin cúm gia cầm; bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, lợn và dịch tả lợn, bệnh lở mồm long móng, góp phần quan trọng đảm bảo đàn gia súc chính trên địa bàn ngày càng phát triển.

"KHÔNG ĐỂ MẤT BÒ MỚI LO LÀM CHUỒNG"

Những ngày qua, thời tiết bắt đầu trở rét, kèm theo mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp đột ngột, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Để bảo vệ đàn vật nuôi, chính quyền xã Xuân Lai, huyện Yên Bình chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dự trữ thức ăn, gia cố chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng nhằm ủ ấm, tránh dịch bệnh, giảm tối đa thiệt hại cho đàn vật nuôi.


Lãnh đạo xã Xuân Lai kiểm tra và yêu cầu các hộ chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc tại thôn Trung Tâm. 

Xã Xuân Lai nằm ở vùng Đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình và có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi thủy cầm. Thời tiết ở đây cũng có những nét cục bộ đặc trưng như mùa đông thường có nhiều đợt rét buốt, sương muối gây hại cho cây trồng, vật nuôi. 

Hiện, xã có tổng đàn gia súc chính trên 5.000 con. Trong đó, hơn 800 con trâu; 350 con bò, hơn 3.600 con lợn; gia cầm trên 8.000 con và có hơn 80 lồng nuôi các loại cá nước ngọt. Nhiều năm trước, đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến đàn vật nuôi. nguyên nhân do hiện tượng sương muối xảy ra thường xuyên, người dân vẫn còn thói quen thả rông gia súc, không xây dựng chuồng trại kín đáo, chắc chắn, rơm rạ sau khi thu hoạch đốt ngay tại ruộng không tích trữ làm thức ăn chăn nuôi... 

Tuy vậy, những năm gần đây, các chủ hộ, kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm đã có ý thức bảo vệ, phòng, chống rét cho đàn gia súc với các biện pháp đồng bộ như: chuồng trại kín gió, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý, phòng chống dịch bệnh. 

Ông Hoàng Ngọc Lên - hộ chăn nuôi trâu, bò nhiều năm ở thôn Trung Tâm chia sẻ: "Gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò nhiều năm nay và đây là nguồn thu nhập đáng kể của gia đình. Trong những ngày rét đậm, rét hại, ngoài việc cho đàn bò ăn thức ăn thô, tinh bột, tôi còn bổ sung muối; đồng thời, tiêm vắc - xin phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y nên đàn trâu, bò luôn có đủ thức ăn và khỏe mạnh”.

Với phương châm "không để mất bò mới lo làm chuồng” nên ngay từ chớm đông, ông Trương Thế Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: nhiều năm nay, xã đều chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. 

Xã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên xuống trực tiếp các hộ chăn nuôi để tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức trong việc chủ động phòng, chống rét cho đàn lợn và trâu, bò. 

Đồng thời thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp như: che chắn kín xung quanh chuồng trại; dự trữ nguồn thức ăn, cung cấp đủ và bổ sung các nguồn thức ăn dinh dưỡng; tăng cường nguồn thức ăn xanh; theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn gia súc; nuôi nhốt và không thả rông trâu bò trong những ngày rét hại; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C, nuôi nhốt vật nuôi tại chuồng kín gió; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, tổ chức tiêm phòng các loại vắc - xin định kỳ cho trâu, bò; hướng dẫn các hộ dân thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi định kỳ, xử lý chất thải chăn nuôi, đề phòng dịch bệnh xảy ra… Vì vậy, nhiều năm qua, Xuân Lai không xảy ra thiệt hại đàn vật nuôi trong mùa rét.

Văn Tuấn - Vũ Đồng