Yên Bình tích cực chuyển đổi số trong khám chữa bệnh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2022 | 7:45:25 AM

YênBái - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác khám chữa bệnh (KCB), Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Yên Bình đã triển khai phần mềm quản lý KCB tại Trung tâm, 3 phòng khám đa khoa khu vực và 21 trạm y tế xã.

Khoa Chẩn đoán hình ảnh Trung tâm Y tế huyện Yên Bình áp dụng CĐS, tất cả hình ảnh được chuyển tới các khoa, phòng.
Khoa Chẩn đoán hình ảnh Trung tâm Y tế huyện Yên Bình áp dụng CĐS, tất cả hình ảnh được chuyển tới các khoa, phòng.

Đơn cử, Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và đào tạo nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó, chất lượng công tác xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chính xác hơn, góp phần điều trị bệnh cho bệnh nhân đạt kết quả cao. 

Bác sĩ Vũ Quang - Khoa Chẩn đoán hình ảnh chia sẻ: "Áp dụng CĐS, hình ảnh được chuyển tới các khoa, phòng giúp các y, bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác, cũng như hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết, giảm thời gian thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời cho người bệnh”. 

Bà Nguyễn Thị Huệ ở tổ 3, thị trấn Yên Bình cho biết: "Vào điều trị cao huyết áp tại Trung tâm, tôi được khám, chụp X.quang, xét nghiệm máu nhưng không phải chờ đợi để lấy kết quả như trước đây. Chúng tôi chỉ chụp và về phòng điều trị, các y, bác sĩ nhận kết quả lên phác đồ điều trị và mang thuốc đến tận giường bệnh, rất nhanh chóng và tận tình”. 

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác khám chữa bệnh (KCB), TTYT huyện Yên Bình đã triển khai phần mềm quản lý KCB tại Trung tâm, 3 phòng khám đa khoa khu vực và 21 trạm y tế xã. Đồng thời triển khai phần mềm giám định BHYT tập trung do BHXH cung cấp, giúp việc thanh toán BHYT được thuận lợi và hiệu quả hơn. 

Đến nay, 100% máy tính đều được kết nối Internet, mạng nội bộ. Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các trạm y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý các trạm y tế xã, áp dụng phần mềm quản lý văn bản giúp triển khai văn bản từ Trung tâm đến các khoa, phòng, các đơn vị tuyến cơ sở được nhanh chóng và lưu trữ thuận tiện; phần mềm quản lý nhân sự tổ chức cán bộ, góp phần giúp quản lý hồ sơ cán bộ hiệu quả... 

Đặc biệt, từ khi thực hiện phần mềm quản lý xét nghiệm Lis hai chiều, trả kết quả tự động đã rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Trung tâm cũng phối hợp với các bệnh viện tuyến trên qua hệ thống KCB từ xa. Nhờ đó, tổng số lượt KCB ngày một tăng, năm 2022 tổng số người dân được KCB là 147.349 lượt người bệnh, đạt 103% kế hoạch năm. 

Theo bác sĩ Hoàng Minh Đô - Phó Giám đốc TTYT huyện, thời gian tới, Trung tâm sẽ chú trọng khai thác tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có triển khai hiệu quả việc KCB từ xa cho người dân nhằm đảm bảo mọi người đều có thể tiếp xúc với bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian KCB; tiếp tục nâng cấp hạ tầng cơ sở kỹ thuật, nâng cao trình độ của cán bộ nhân viên y tế để sử dụng tối đa chức năng của những phần mềm; tăng cường đào tạo cán bộ để sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khai thác hạ tầng, xử lý công việc hàng ngày... 

Xác định CĐS là mục tiêu phấn đấu của đơn vị từ nay đến năm 2025, TTYT huyện sẽ triển khai hoàn chỉnh các phần mềm: quản lý bệnh viện His Pro, quản lý nhân sự, quản lý thiết bị vật tư y tế, văn phòng phẩm, quản lý chấm công, tiến tới bệnh án điện tử của Bộ Y tế. Qua đó, góp phần để Trung tâm tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng KCB, xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, giúp người bệnh giảm chi phí và thời gian.

Minh Huyền