Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/12/2022 | 7:45:55 AM

YênBái - Với quá trình chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến trên địa bàn Yên Bái. Đi đầu là các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ và qua phương tiện điện tử.

Người dân quẹt thẻ tại quầy thanh toán khi mua sắm hàng hóa tại một cửa hàng ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
Người dân quẹt thẻ tại quầy thanh toán khi mua sắm hàng hóa tại một cửa hàng ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.


Cùng đó, các dịch vụ thương mại, thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công của tỉnh có bước phát triển nhanh, mạnh mẽ. 

Yên Bái cũng là tỉnh đi đầu khu vực miền núi phía Bắc trong cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ nộp thuế, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí ở các trung tâm hành chính công và chi trả các chương trình an sinh xã hội…

Bằng việc triển khai thử nghiệm chợ 4.0, toàn tỉnh đã thiết lập 100% các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công; 100% trường cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. 

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), đến nay, số tài khoản ngân hàng khách hàng cá nhân đạt 532.347 tài khoản, tăng trưởng 30,77% so với năm 2021 (đạt 407.073). Số tài khoản Mobile Money đạt 94.876 tài khoản, tăng trưởng 72,7% so với 2021 (đạt 54.944); tỷ lệ thanh toán tiền điện KDTM đạt 66,15%, tăng 16,2% so với 2021; tỷ lệ thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt đạt 40%, tăng 6% so với 2021. 

Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại Yên Bái đã đạt được kết quả quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong giao dịch, thanh toán. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, người dân chưa mặn mà với hình thức này, bởi việc tiếp cận công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại còn khó khăn và đa số người dân còn thói quen dùng tiền mặt... 

Do đó, để thúc đẩy CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thanh toán tiêu dùng của người dân; qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân. 

Các bộ, ngành có liên quan, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện ứng dụng rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn. Ngành ngân hàng cần tiếp tục triển khai nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC); thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và MobiFone triển khai thí điểm; triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử hiện hành cho phù hợp với nhu cầu thanh toán trên kênh điện tử của người dân để bảo vệ an toàn về tài sản, bảo mật về thông tin của khách hàng trong giao dịch thanh toán. Xây dựng cơ chế, chính sách về CĐS trong hoạt động ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia. 

Quang Thiều