Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp tết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/12/2022 | 9:34:42 AM

YênBái - Thực phẩm những ngày tết được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường. Đảm bảo an toàn thực phẩm ngày tết không phải là vấn đề được đặt ra ở một năm cụ thể nào mà vốn đã trở thành câu chuyện được bàn luận mỗi dịp tết đến, xuân về.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng, đủ chế tài, đủ sức răn đe. Cụ thể hiện nay, vấn đề xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được áp dụng theo các quy định tại Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Bộ luật Hình sự. 

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Song do lợi nhuận lớn nên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh bất chấp sự nguy hại tới người tiêu dùng vẫn sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng...

Chỉ mới tuần trước, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành giám sát tiêu hủy hơn 7.500 kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. 

Lô thực phẩm này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ được đưa ra thị trường gây hậu quả khôn lường cho người sử dụng. Bởi sử dụng thực phẩm không an toàn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng cấp tính hoặc tích lũy các chất độc hại trong cơ thể gây nên những hậu quả khó lường về sau. Trên thực tế đã có không ít những vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí cả tử vong. 

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm lớn, chỉ  xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 5 người mắc (không có tử vong) do ăn nấm rừng. Trong năm 2022, ngành y tế đã tổ chức 11 cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 159 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm 24 cơ sở với số tiền hơn 76 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. 

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày tết, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm và có kế hoạch kiểm tra liên ngành nhân dịp tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023. Theo đó, kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết như: giò, chả, bánh mứt kẹo, bia rượu, nước giải khát...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ mùa lễ hội xuân; kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch, hoa quả sạch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu kiểm tra tập trung vào những doanh nghiệp đầu mối, các cơ sở kinh doanh phân phối hàng hóa thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... 

Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền kiến thức, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Đối với mỗi người dân, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Hạn chế sử dụng bia rượu phòng gây ngộ độc để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc.

Thanh Ba