Nông dân Yên Bái thúc đẩy bán hàng trên sàn thương mại điện tử

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/1/2023 | 7:50:59 AM

YênBái - Thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 13/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 86/KH - UBND về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đây là bước đột phá giúp người nông dân đưa các sản phẩm từ gia đình, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã… từ nhà cung cấp đến nhà phân phối.

Nông dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên tham gia chuyển đổi số trong trao đổi hàng hóa.
Nông dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên tham gia chuyển đổi số trong trao đổi hàng hóa.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, ngày 1/4/2022, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 229 - KH/HNDT - BĐT về chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 -2025 với các nội dung trọng tâm như: HND các huyện, thị, thành phố tổng hợp cung cấp danh sách, thông tin, địa chỉ các hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), các sản phẩm OCOP để Bưu điện tỉnh tạo tài khoản mua, bán và đưa các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT Postmart.vn; voso.vn. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền về CĐS cho cán bộ chủ chốt HND các huyện, thị, thành phố để nâng cao nhận thức, kỹ năng CĐS cho cán bộ hội, hội viên, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… 

Ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: sau gần 1 năm triển khai, thông qua công tác thông tin tuyên truyền và quảng bá sản phẩm về khung giá bán, bản tiêu chuẩn áp dụng Global, VietGAP, OCOP…, HND tỉnh đã rà soát, tổng hợp cung cấp cho Bưu điện tỉnh 21.431 hộ SXKDG của các địa phương gồm: huyện Trạm Tấu 1.009 hộ; Mù Cang Chải 2.150 hộ; Văn Yên 731 hộ; Trấn Yên 4.772 hộ; Lục Yên 5.000 hộ; Yên Bình 6.201 hộ… 

Qua nắm bắt thực tế tại cơ sở từ việc bán hàng qua CĐS cho thấy, việc ứng dụng CĐS không những giúp nông dân tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn giúp người nông dân đưa các loại gạo, rau, củ quả, sản phẩm thịt sạch… ra thị trường tiêu thụ nhằm tăng năng suất, giá trị sản lượng trên diện tích đất canh tác, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho nông dân…

Trên cơ sở danh sách các hộ SXKDG, các sản phẩm OCOP, đến nay, Bưu điện tỉnh đã tạo được trên 30.000 dữ liệu hộ SXKDG (tài khoản mua, bán) và giới thiệu được 3.551 sản phẩm nông nghiệp và 108 sản phẩm OCOP; trong đó, HND có 27 sản phẩm được quảng bá trên sàn TMĐT Postmart, tổng giá trị giao dịch năm 2022 ước đạt trên 1.030 tỷ đồng. 

Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng như: Miến dong Giáp Hậu của HTX Miến dong xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái; cam lòng vàng của HTX Sản xuất và dịch vụ cam xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; chuối sấy dẻo, HTX Dịch vụ chế biến nông sản xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; An Đường Cao, dạng cao đóng hộp của Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An, huyện Văn Yên; Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn; tinh dầu quế, HTX Đào Thịnh, huyện Trấn Yên; thanh long ruột đỏ, HTX xã Minh Quân, huyện Trấn Yên; cá rô phi sấy hồ Thác Bà, huyện Yên Bình; gạo nếp Tan của HTX Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải; Đại Lão Vương trà - Diệp trà của HTX Suối Giàng huyện Văn Chấn… 

Nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh còn áp dụng các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, phân bón. Ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng như: cá tầm, cá hồi, cá bỗng, cá trắm đen và một số loại gia súc, gia cầm khác… góp phần hình thành và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh, đóng góp vào thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Thạch Phong