Về nơi cội nguồn đất quế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/1/2023 | 2:15:58 PM

YênBái - Đến nay, cây quế đã có mặt ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Yên với diện tích hơn 52.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước.


Trong nắng xuân soi ấm những vạt rừng quế xanh ngút ngát, tôi trở lại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên - nơi được coi là cội nguồn của đất quế. 

Già làng Bàn Văn Lý ở thôn Khe Dứa năm nay 83 tuổi - một "kho sử sống” với những câu chuyện xưa cũ về đất và người ở đây bảo rằng: "Không rõ cây quế được trồng ở đất rừng Viễn Sơn từ khi nào, chỉ biết rằng cụ tổ của nghề trồng quế ở Viễn Sơn là ông Bàn Thừa Phú, còn gọi là ông Phú Sáu. Ông Phú Sáu là người khai thiên lập bản ở mảnh đất này và cũng là người đầu tiên phát hiện ra cây quế mang về trồng và truyền dạy cho dân bản cách trồng cây quế nên đồng bào Dao ở xã Viễn Sơn và cộng đồng các dân tộc trong vùng gọi là ông tổ của cây quế”. 

Dẫn tôi đi dưới tán quế ken dày, tỏa hương thơm ngào ngạt trên những triền đồi, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn - ông Bàn Phúc Hín bảo rằng: "Đây là nguồn sống của người dân mình đấy. Người Dao ví quế như "kho vàng xanh” để lưu truyền cho con cháu. Nhà nào có đồi quế coi như giữ "két bạc” trong nhà. Quế đóng vai trò trong phát triển kinh tế của mỗi gia đình và của xã. Từ dựng vợ, làm nhà, mua sắm đồ đạc hay nhà có công to, việc lớn đều từ tiền bán quế mà ra”. 


Chả thế mà, trải qua bao biến cố thăng trầm nhưng người dân vẫn quyết tâm bám trụ và đầu tư mở rộng diện tích quế. Thực ra, không phải đến tận bây giờ khi nổi tiếng với địa danh cội nguồn của đất quế mà vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước ở Viễn Sơn đã có hai hợp tác xã nổi tiếng về sản xuất, chế biến quế là Hợp tác xã Công Tâm và Cộng Lực, trong đó 6 bản người Dao thuộc Hợp tác xã Cộng Lực được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động về thành tích phát triển cây quế. 

Từ những năm 70 của thế kỷ XX, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, bà con người Dao ở Viễn Sơn nghe theo lời Bác lên đồi trồng quế. Từ đấy, quế mọc thành rừng, rừng nối tiếp rừng để hôm nay Viễn Sơn trở thành thủ phủ quế của Văn Yên. Ở đây có nét văn hóa độc đáo là trong gia đình khi con cái đến tuổi dựng vợ, gả chồng thì sẽ được cho một khoảnh đất đồi để trồng quế. 

Anh Bàn Kim Phấy ở thôn Tháp Cái cho biết: "Khi lập gia đình ra ở riêng, tôi được bố mẹ cho 2 ha quế để làm vốn. Đây là tài sản lớn của gia đình nên tôi đã tập trung chăm sóc. Với người dân chúng tôi, cây quế là cây cho giá trị to lớn không cây nào sánh bằng. Khi chưa thu hoạch thì chặt tỉa cành lá bán cho thương lái mua về chưng cất dầu, mỗi năm cũng có vài chục triệu đồng. Cứ quế ra khỏi thì lại có thêm nhiều ti vi, xe máy vào thôn đấy”. 


Người Dao Viễn Sơn thu hoạch quế. 

Theo Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn Bàn Phúc Hín, chục năm trở lại đây, Viễn Sơn "thay da, đổi thịt” nhờ quế. Hiện, toàn xã Viễn Sơn có gần 2.700 ha quế với gần 900 hộ dân tham gia trồng quế. Nhà ít vài ba héc-ta, nhà nhiều có đến 40 ha. 

Hàng năm, ngoài diện tích khai thác và trồng mới khoảng 60 ha quế, xã còn vận động bà con tận dụng hết những diện tích còn bỏ hoang để đưa cây quế vào trồng; đồng thời, đẩy mạnh thâm canh và trồng quế hữu cơ để nâng cao giá trị của cây quế. 

Mỗi năm, xã Viễn Sơn bán ra thị trường trên 600 tấn quế vỏ, trên 4.000 m3 gỗ quế, trên 100 tấn tinh dầu quế, đem về thu nhập khoảng trên 45 tỷ đồng. Nhiều hộ trở thành triệu phú, tỷ phú, như: hộ ông Lý Tiến Thắng, Bàn Phú Hoa, Bàn Kim Quý, Bàn Văn Lý… 

"Nhờ cây quế của người dân đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập" - Chủ tịch Hín cho hay.

Từ nơi được coi là cội nguồn của đất quế, cứ mỗi độ xuân sang, công việc trồng quế như một thói quen không thể thiếu của đồng bào các dân tộc huyện Văn Yên. Đến nay, cây quế đã có mặt ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Yên với diện tích hơn 52.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước. 

Cây quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) xác lập chỉ dẫn địa lý năm 2010, được cấp nhãn hiệu chứng nhận năm 2020. Chỉ dẫn quế Văn Yên cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan công nhận năm 2014.  

Những năm qua, khai thác thế mạnh cây quế, huyện đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cũng như giá trị kinh tế cho người trồng quế. Văn Yên đã chỉ đạo các ngành, xã và vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế. Huyện cũng tổ chức xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế quảng bá thương hiệu quế Văn Yên. 

Mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 5.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000 m3/năm; quế giống trên 150 triệu cây. Các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, ngoài ra, còn nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế, tinh dầu, gỗ quế.

Thông Nguyễn