Không ngừng phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tự tin vững bước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ

  • Cập nhật: Chủ nhật, 15/1/2023 | 4:26:09 PM

YênBái - Năm 2022 đã đi qua và ghi dấu ấn với những kết quả đạt được rất tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhìn lại năm qua, để tiếp tục vững bước, tự tin đón xuân mới Quý Mão 2023, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã dành cho phóng viên (P.V) Báo Yên Bái cuộc phỏng vấn rất ý nghĩa.

P.V: Thưa đồng chí! đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH)của tỉnh năm 2022?

Đồng chí Trần Huy Tuấn: Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen. 



Thực hiện nghiêm túc phương châm hành động của Chính phủ và chủ đề năm 2022 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, đảm bảo mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; duy trì phát triển KTXH nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển đổi số; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

KTXH của tỉnh có nhiều khởi sắc, đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm nhấn nổi bật. 31/32 chỉ tiêu KTXH chủ yếu của năm 2022 đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, có 18 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch. 

Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,62%, đứng thứ 8/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. 

Toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới của tỉnh đạt 99 xã. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,15%, vượt 1,15% so với kế hoạch. Chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 62,57%, tăng 4,46%, vượt 1,37% so với kế hoạch.

Thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh mẽ và có bước tăng trưởng tích cực, nhất là dịch vụ du lịch khi các chỉ tiêu số lượt khách đến tỉnh và doanh thu từ dịch vụ du lịch đều tăng gấp hơn 02 lần so với năm 2021 và vượt cao so với kế hoạch đề ra. Giá trị xuất khẩu hàng hóa vượt 6,1% so với kế hoạch, tăng 31,4% so với năm 2021. 

Kết quả giải ngân đầu tư công của tỉnh Yên Bái luôn đứng trong nhóm những tỉnh giải ngân tốt nhất cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nhất là các công trình giao thông kết nối vùng, liên vùng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển KTXH.



Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã triển khai linh hoạt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển KTXH. Tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, có ý nghĩa, quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với Yên Bái, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và du khách. 

Công tác chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đạt được những kết quả tích cực bước đầu, Yên Bái đã vươn lên đứng thứ 27/63 tỉnh, thành về chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI), tăng 13 bậc so với năm trước.

P.V: Quyết tâm xây dựng Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, tỉnh đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Huy Tuấn: Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, dự báo tình hình sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế; kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. 

UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa XIX về Kế hoạch phát triển KTXH, Kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Trong đó, Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát năm 2023, cụ thể hóa 19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thành 32 chỉ tiêu và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2023. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương sớm thẩm định, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và các chương trình, đề án về phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025. 

Tập trung quán triệt và triển khai hiệu quả Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2023 và các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách đã ban hành của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh.



Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng xây dựng nông thôn mới. 

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với ngành, lĩnh vực, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh, khẩn trương lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. 

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo sự bứt phá trong chuyển đổi số, xác định năm 2023 là năm về dữ liệu; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Bảo tồn, phát huy giá trị "Nghệ thuật Xòe Thái” và các di sản văn hóa, biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển KTXH của tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. 

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Triển khai hiệu quả kế hoạch giảm nghèo năm 2023. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc, tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của người dân; phải làm sao để Chỉ số hạnh phúc tiếp tục được định hình rõ nét bằng chính mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp "Tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”, hướng tới mục tiêu xây dựng "Tỉnh hạnh phúc”.

P.V: Xin đồng chí cho biết, trên cơ sở đó, UBND tỉnh xác định tư tưởng chỉ đạo, điều hành ra sao?

Đồng chí Trần Huy Tuấn: Bám sát chủ đề của năm theo Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, UBND tỉnh xác định: "Quyết liệt triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; tập trung phát triển hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bứt phá trong chuyển đổi số; duy trì phát triển KTXH nhanh, bền vững; bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân” gắn với phương châm hành động "Tăng tốc, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”.



Trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh tiếp tục đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới, sáng tạo; luôn dự báo, chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình; xác định đúng, trúng những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, những "điểm nghẽn” thực sự trong phát triển KTXH của tỉnh để có giải pháp khắc phục với nhiều nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, quyết tâm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thơm (thực hiện)
Đồ họa - Thành Trung