Hàn Quốc, Trung Quốc hứng chịu đợt lạnh sâu nhất dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2023 | 8:17:48 AM

Hàn Quốc đang trải qua đợt lạnh sâu nhất trong mùa đông năm nay với nhiệt độ ở hầu hết các địa phương được ghi nhận ở quanh mức -10 độ C.

Tuyết phủ trắng tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/12/2022.
Tuyết phủ trắng tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/12/2022.

Cơ quan Khí tượng Quốc gia Hàn Quốc (KMA) đã đưa ra các cảnh báo về đợt lạnh nhất trong năm đối với hầu hết các vùng trên toàn quốc, đồng thời cho biết, đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến toàn bộ thủ đô Seoul vào ngày 23/1 do khối không khí lạnh tích tụ ở Siberia tràn xuống bán đảo Triều Tiên, khiến nhiệt độ giảm mạnh.

Nhiệt độ ở thủ đô Seoul sáng 24/1 được ghi nhận ở mức -18°C, nhưng do có gió to nên cảm nhận trên thực tế lên tới -28°C.

Cảnh báo cũng đã được đưa ra đồng thời đối với nhiều khu vực ở thành phố Incheon, cách Seoul 27 km về phía Tây, và các tỉnh Gyeonggi, Gangwon, Chungcheong và Bắc Jeolla. Đây cũng được coi là đợt lạnh nhất trong mùa đông năm nay ở Hàn Quốc.

KMA dự báo, nhiệt độ ban ngày tại thủ đô Seoul trong ngày 24/1 sẽ dao động từ -9°C đến -18°C, trong khi hầu hết các địa phương ở Hàn Quốc cũng ghi nhận nền nhiệt ở mức -10°C.

Trong ngày 25/1, nhiệt độ ở Seoul được dự báo sẽ còn giảm sâu xuống tới -18°C (cảm nhận thực tế là -28°C), trong khi nhiệt độ tại các địa phương ở miền Nam Hàn Quốc, thành phố Gwangju và Busan cũng sẽ giảm xuống -12°C.

Cũng theo dự báo của KMA, thời tiết giá rét ở đảo Jeju và vùng Honam (gồm thành phố Gwangju, tỉnh Nam và Bắc Jeolla) sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt tuần này. Ngoài ra, hai khu vực này cũng được dự báo sẽ có tuyết rơi nhiều. Trong ngày 24 và 25/1, dự báo tuyết rẽ rơi dày tối đa trên 70 cm ở vùng núi đảo Jeju, đảo Ulleung và đảo Dokdo. Tại vùng ven biển trên đảo Jeju và phía Tây vùng Honam, dự báo tuyết sẽ rơi dày trên 20 cm. 

Nhiều thành phố ở phía Nam Hàn Quốc dự báo sẽ phải đối mặt với một đợt lạnh tương tự khi nhiệt độ thấp nhất vào buổi sáng dưới -12°C trong hơn hai ngày liên tiếp. Đợt lạnh này đã khiến các hãng hàng không Hàn Quốc phải tạm ngừng khai thác các chuyến bay nội địa do cảnh báo giá rét và tuyết rơi dày. Bên cạnh đó, cảnh báo tai nạn do đường trơn trượt cũng được ban hành ở tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc. Người dân được khuyến cáo tránh các vụ tai nạn do đường trơn trượt trên đường từ quê về các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

* Lạnh kỷ lục ở miền Bắc Trung Quốc

Vào thời điểm này, các địa phương ở miền Bắc Trung Quốc đang hứng chịu một đợt không khí lạnh khắc nghiệt.

Riêng tại thành phố Mạc Hà, giáp biên giới với Nga, nhiệt độ đã xuống đến -53°C. Mức nhiệt này đã phá kỷ lục nhiệt độ thấp -52,3°C Trung Quốc từng ghi nhận vào năm 1969.

Vào cuối tuần qua, 12 trạm khí tượng tại tỉnh Hắc Long Giang cũng báo cáo nhiệt độ gần bằng hoặc thấp hơn mức nhiệt độ thấp kỷ lục từng được ghi nhận tại các địa phương này.

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc đã gia hạn cảnh báo đợt lạnh này đến cuối tuần, với nhiệt độ tại một số khu vực ở tỉnh Cát Lâm tiếp tục giảm sâu thêm 16°C nữa trong vài ngày tới. Dự báo, nhiệt độ giảm và gió mạnh trên khắp các khu vực phía Đông và miền Nam trong những ngày tới. Nhà chức trách các địa phương đã tăng cường hoạt động của các lò hơi để có thể tiếp tục cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình.

Cùng với xu hướng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn thế giới, thời gian gần đây, một số hiện tượng thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra tại Trung Quốc. Chỉ vài tháng trước, Trung Quốc trải qua đợt sóng nhiệt mùa hè trầm trọng tới mức quốc gia này buộc phải áp dụng biện pháp cắt điện do nhu cầu tăng cao, một số dòng sông đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận tải đường thủy cạn nước.

Mức nhiệt độ trung bình trong tháng 8 tại Trung Quốc là 22,4°C, mức cao nhất kể từ khi quốc gia này bắt đầu thống kê dữ liệu vào năm 1961. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 11, các đợt bão tuyết kéo theo nhiệt độ giảm đã khiến gia súc chết hàng loạt tại nhiều khu vực ở Trung Quốc.

Không riêng Trung Quốc, biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ trung bình và tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng lên trên toàn thế giới. Tại châu Âu, các đợt sóng nhiệt xảy ra với tần suất thường xuyên hơn từ 5 - 10 lần so với một thế kỷ trước. 28 quốc gia trên thế giới cũng báo cáo mức nhiệt độ cao kỷ lục trong năm 2022.

(Theo VTV)