Trấn Yên đẩy mạnh xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/2/2023 | 7:47:37 AM

YênBái - Những năm gần đây, dựa trên quy hoạch của tỉnh, huyện Trấn Yên huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo đà cho công nghiệp phát triển, đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây được coi là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trấn Yên nói riêng và của tỉnh nói chung.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm, kiểm tra sản xuất tại Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Khoa, thuộc Cụm công nghiệp Báo Đáp.
Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm, kiểm tra sản xuất tại Doanh nghiệp Tư nhân Đăng Khoa, thuộc Cụm công nghiệp Báo Đáp.

Trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có 2 KCN và  3 CCN được quy hoạch xây dựng và thu hút các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, KCN Minh Quân được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch các KCN quốc gia tại Văn bản số 1826 ngày 07/10/2010 với diện tích 112 ha, được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 02 ngày 04/01/2021 với diện tích đất là 107,89 ha. 

Đây là KCN trung tâm của tỉnh thuộc hệ thống các KCN quốc gia bao gồm các ngành sản xuất: vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, công nghiệp hóa chất và sản xuất hàng tiêu dùng. Còn KCN Trấn Yên được quy hoạch xây dựng trên địa bàn xã Bảo Hưng và Minh Quân có diện tích 339 ha với định hướng ngành đa ngành gồm: công nghiệp chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng cao cấp, chế biến khoáng sản, công nghiệp hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... 

Bên cạnh đó, hiện nay, CCN Báo Đáp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 1583 ngày 10/10/2008 với các ngành công nghiệp chính trong chế biến các sản phẩm nông lâm sản, thực phẩm, chế biến gỗ rừng trồng, sửa chữa cơ khí nhỏ. CCN Hưng Khánh được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 1584 ngày 10/10/2008 với các ngành công nghiệp chính gồm: chế biến gỗ rừng trồng; chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; sửa chữa thiết bị công nghiệp, dân dụng và vận tải; thêu dệt, đan lát hàng thủ công mỹ nghệ; khai thác và chế biến khoáng sản. Ngoài ra, CCN Minh Quân cũng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 240/QĐ-UBND ngày 14/02/2020, diện tích quy hoạch là 75 ha. 

Theo ông Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, huyện đã tích cực phối hợp, hỗ trợ đơn vị đầu tư hạ tầng giải phóng mặt bằng để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng cam kết. Đồng thời, huyện vừa đầu tư hạ tầng vừa đẩy mạnh quảng bá, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh. 

Nhờ đó, đến nay, KCN Minh Quân  được đầu tư và đã xây dựng được một số hạng mục hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước...; đồng thời, thu hút được 16 dự án đầu tư; trong đó, 9 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.007,67 tỷ đồng; tổng diện tích đất đăng ký sử dụng là 73,9 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 93,7%. 

Trong quá trình hoạt động các DN chấp hành tốt các quy định của tỉnh về bảo vệ môi trường, thuế, nộp ngân sách; đồng thời đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/lao động… 

Hay tại CCN Hưng Khánh, từ nguồn vốn Nhà nước, huyện Trấn Yên đã triển khai giải ngân 1,612 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông và hệ thống cáp điện. 

Đến nay, CCN Hưng Khánh đã có 2 đơn vị đăng ký hoạt động, với tổng mức đăng ký đầu tư 45,5 tỷ đồng gồm Công ty cổ phần Greeneco Việt Nam, sản xuất và chế biến ván ép; công suất thiết kế 1.800 m3 sản phẩm/năm; tổng vốn đầu tư 15,5 tỷ đồng và Công ty cổ phần Yamazaki hoạt động trong lĩnh vực chế biến măng xuất khẩu từ nguyên liệu măng tre Bát độ có công suất thiết kế sản xuất măng muối lên men xuất khẩu 500 tấn/năm; sản xuất măng khô 150 tấn/năm; tổng vốn đầu tư của dự án 30 tỷ đồng. 

Ngoài ra, tại CCN Báo Đáp đã có 2 DN đang hoạt động, với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. "Việc hình thành và phát triển các CCN đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của huyện mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các DN nhỏ và vừa đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp” - ông Trần Đông - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm. 

Phát huy kết quả đạt được, từ nay đến 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Trấn Yên tiếp tục thành lập mới các KCN, CCN nhằm thúc đẩy nông thôn phát triển, đa dạng ngành nghề, giảm lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp. 

Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện đang tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN, CCN đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư; phối hợp với các đơn vị kinh doanh dịch vụ hạ tầng tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm mặt bằng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện phương châm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, tạo sức hấp dẫn nhiều hơn cho các DN, phấn đấu để các KCN, CCN trên địa bàn luôn là điểm đến, cơ hội của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hùng Cường