Phát huy giá trị Lễ hội đền Đông Cuông - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/2/2023 | 9:01:32 AM

YênBái - Lễ công bố Quyết định ghi danh "Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông năm 2023 chính thức bắt đầu từ hôm nay - 1/2/2023 (tức 11 tháng Giêng Quý Mão). Đây sẽ là động lực cho chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Di sản trên địa bàn.



Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, đã có công tìm phương thuốc quí để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua phong là "Thần Vệ Quốc”. 



Lễ hội đền Đông Cuông có hai lễ chính. Lễ thứ nhất vào ngày Mão đầu năm. Vật tế thần là một con trâu trắng, bắt đầu từ 0 giờ đêm sang ngày Mão, con trâu sau khi được tắm rửa bằng các loại lá thơm rồi treo lên cây mít trước cửa đền để kính cáo thần linh trước khi giết mổ làm lễ dâng Mẫu Thượng ngàn cùng thần linh và các vị anh hùng. Lễ hội thứ hai được tổ chức vào ngày Mão tháng 9 Âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội cơm mới, vật tế lễ là gạo mới, cốm xanh và mổ một con trâu đen dâng lễ. 



Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Mẫu Thượng Ngàn tại Đông Cuông là đỉnh cao của sự ngưng kết, chắt lọc, kết hợp giữa tín ngưỡng thờ thần Rừng - gắn nền kinh tế nông nghiệp với hình tượng Mẫu mẹ - Mẫu đại diện thần Mẹ ở nơi rừng núi, hòa hợp với cõi trần tục, được dân chúng suy tôn và xếp vào bậc hiển thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Sau phần lễ là phần hội, các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co và các hình thức sinh hoạt mang đậm chất dân gian như ném còn (tức Sến) đánh yến, kéo co, đấu vật, hát chèo với đủ sắc màu các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng...

Để thu hút du khách, đem đến diện mạo đẹp, khang trang mà vẫn đảm bảo sự tồn tại, tính nguyên gốc như hôm nay, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền Đông Cuông luôn được các cấp, các ngành nhất là nhân dân xã Đông Cuông tu bổ, tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa. 



Ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Ban Thường trực Ban quản lý Di tích Đền Đông Cuông, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên cho biết: "Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhiều hạng mục của đền Đông Cuông đã  xuống cấp. Sau một thời gian chuẩn bị, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy Yên Bái, ngày 21/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án đầu tư công trình tu bổ, tôn tạo hạng mục đền chính của đền Đông Cuông. Sau gần hai năm triển khai, công trình hoàn tất với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng, tất cả được huy động bằng nguồn xã hội hoá".

Song song với công tác bảo tồn di tích, việc phát huy giá trị di sản văn hoá của đền Đông Cuông thông qua lễ hội cũng được đẩy mạnh. Hằng năm, chính quyền huyện Văn Yên, các cấp, các ngành chuyên môn đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước tổ chức lễ hội đảm bảo theo quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa truyền thống địa phương.
 
Đặc biệt, các hoạt động lễ hội thiết thực để tôn vinh giá trị của Di tích lịch sử - văn hoá đền Đông Cuông được duy trì tổ chức đều đặn, thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái. Là điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng hấp dẫn.



Năm 2023, Lễ hội đền Đông Cuông được diễn ra trong niềm vinh dự lớn khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Huyện Văn Yên đã tích cực chuẩn bị cho Lễ công bố Quyết định ghi danh "Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông năm 2023 ngày 1- 2/2/2023 (tức 11,12 tháng Giêng Quý Mão). Với quy mô và tính chất đặc biệt của sự kiện, Lễ hội năm nay sẽ giữ nguyên bản những nghi thức  truyền thống như lễ dâng hương, Lễ rước Mẫu sang sông, lễ cúng tiệc tuần truyền thống…. 



Điểm đặc biệt trong Lễ hội đền Đông Cuông năm nay là sau lễ rước Bằng chứng nhận từ khu vực sân khấu vào trong Đền chính có sự kết hợp với màn diễu rước là màn múa xòe Tày cổ hầu Mẫu tại khu vực sân chính của Đền với sự tham gia của 300 phụ nữ dân tộc Tày Khao 2 xã Tân Hợp và Đông Cuông. Đây là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Tày từ lâu đời trên vùng đất thượng lưu sông Hồng. Bởi trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Mẫu Đông Cuông nói riêng có một nghi lễ hết sức đặc biệt,  là nghi lễ chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng thực hành tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. 



Hàng năm, cứ vào dịp đầu và cuối năm có rất nhiều đoàn lễ từ khắp nơi trong nước về đây "bắc ghế hầu thánh” - thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Cùng với đó, người Tày khắp vùng cũng đăng kí xòe hầu Mẫu tại đền. Hai mảng màu sắc văn hóa đặc trưng của hai dân tộc diễn ra trong cùng một không gian tạo nên bức tranh lễ hội đặc sắc, độc đáo mà hiếm nơi nào có được. 



Với ý nghĩa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ MẫuThượng ngàn, đồng thời có những đổi mới trong xã hội hiện đại, song vẫn đảm bảo sự kế thừa truyền thống, đúng nghi lễ trang nghiêm và giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt, năm 2017, huyện Văn Yên tổ chức Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông. 

Việc tổ chức Festival là cơ hội để các nghệ nhân, thanh đồng, bản hội và nghệ nhân hát chầu văn trong cả nước tề tựu về dâng hương kính Mẫu, tham gia diễn xướng hầu đồng nhằm phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá đại diện của nhân loại. 



Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát chầu văn và lễ hội thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như: trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng qua các nhân vật lịch sử đã được sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ, mang đậm bản sắc người Việt, được bảo tồn và phát triển đến tận ngày nay. 



Những năm gần đây, Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng thu hút hàng chục nghìn lượt nhân dân và du khách từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đến dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. 



Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được quan tâm chú trọng. Huyện đã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương có di tích thành lập, kiện toàn ban quản lý, ban hành quy chế hoạt động; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ di tích; công tác trùng tu, tôn tạo và các hoạt động tín ngưỡng tại các di tích đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. 



Để duy trì và phát triển sản phẩm du lịch tâm linh tại các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện, Văn Yên đã đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương xây dựng các tour, tuyến nhằm kết nối với các điểm di tích lịch sử khác nhằm tạo thành chuỗi du lịch tìm hiểu, trải nghiệm giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương…



Văn Yên chú trọng hướng dẫn UBND các xã, thị trấn, cán bộ chuyên môn phụ trách công tác du lịch, các cơ sở hoạt động du lịch, cơ sở lưu trú tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh lưu trú, du lịch; chấp hành quy định về thẩm định và thẩm định lại các cơ sở lưu trú; niêm yết công khai giá bán hàng và dịch vụ, nội quy, quy chế của cơ sở lưu trú; bảo đảm chất lượng phục vụ; chú trọng quảng bá, mời gọi đầu tư phát triển du lịch tâm linh để khai thác tối đa hiệu quả du lịch. Văn Yên phấn đấu năm 2023 đón và phục vụ khoảng 400.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 10.000 lượt; 180.000 lượt khách lưu trú, doanh thu đạt 200 tỷ đồng.

Thành Trung - Lê Thương - Thanh Ba - Thu Hiền - Thanh Tân - Đức Toàn