Làm thủ tục hành chính, quét mã vạch CCCD cũng chưa đủ

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/3/2023 | 2:59:58 PM

Các phường đều trang bị máy quét mã vạch QR hoặc máy đọc chip CCCD, tuy nhiên những thông tin sau khi quét còn hạn chế.

Cán bộ phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM thực hiện quét mã vạch trên CCCD cho người dân. Ảnh: HUỲNH THƠ
Cán bộ phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM thực hiện quét mã vạch trên CCCD cho người dân. Ảnh: HUỲNH THƠ

CCCD gắn chip đóng vai trò như một thiết bị dùng để nhận diện, xác thực danh tính của cá nhân và có thể dùng để truy cập tra cứu thông tin của công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên CCCD sẽ có một mã vạch QR nằm ở góc phải mặt trước, mặt sau sẽ được gắn chip. Dựa vào mã vạch và chip sẽ tra cứu được thông tin cá nhân của người dân.

Hiện nay các phường đều được trang bị máy quét mã vạch hoặc máy đọc CCCD gắn chip để tiện trong việc tra cứu thông tin. Tuy nhiên, sau khi quét mã vạch và chip lại không hiển thị đầy đủ các trường thông tin, chỉ cho ra bảy trường thông tin mà đa số trên CCCD đều đã có.

Tưởng có CCCD thôi là đủ

Ghi nhận của PV tại một số UBND phường trên địa bàn TP.HCM, người dân cho biết để làm thủ tục hộ tịch không phải chỉ cần CCCD thôi là đủ.

Ông NVS, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết trước đây khi nghe thông tin bỏ sổ hộ khẩu (SHK), người dân chỉ cần có CCCD là có thể thay thế, ông đã rất vui mừng vì việc này sẽ giúp cho người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

"Tôi đến phường để làm giấy xác nhận tình trạng độc thân, thay vì trước đây chỉ cần SHK là có thể làm giấy này nên tôi nghĩ bây giờ chỉ cần CCCD là sẽ làm được. Nhưng khi đến phường, tôi được cán bộ đưa cho giấy xác minh nơi cư trú để điền thông tin. Việc điền thông tin như vậy tôi thấy không khó khăn gì nhưng mất thời gian hơn so với lúc còn SHK” - ông S chia sẻ.

Chị NTMT cũng cho biết theo chị tìm hiểu, hiện nay CCCD đã được tích hợp đầy đủ thông tin, người dân chỉ cần cung cấp CCCD là có thể làm các thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, khi chị T trực tiếp đến phường để làm thủ tục hộ tịch thì được biết có CCCD thôi là chưa đủ thông tin.

"Bỏ SHK thì yêu cầu người dân làm giấy xác nhận nơi cư trú, người dân phải đi qua đi lại giữa công an phường và UBND phường. Giờ đây, dù đã không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận nơi cư trú nữa nhưng UBND phường cũng phải xác minh những nơi đã từng ở của người dân với công an phường. Mong cơ quan chức năng sớm giải quyết những bất tiện này để tạo thuận lợi cho người dân” - chị T nói.

Hỗ trợ dân đăng ký tài khoản dịch vụ công

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết phường đã trang bị đầy đủ máy quét mã vạch QR và máy đọc chip CCCD nhưng hầu như chưa dùng đến.

"Để thuận tiện trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, phường đã triển khai đăng nhập vào cổng dịch vụ công quốc gia để lấy thông tin hỗ trợ người dân làm thủ tục. Các trường thông tin trên cổng tương đối đầy đủ hơn rất nhiều so với việc quét CCCD chỉ hiển thị bảy trường thông tin. Tuy nhiên, đối với thời gian di chuyển, cư trú của người dân, phường vẫn phải liên hệ phía công an phường nhờ cung cấp, vì trên cổng dịch vụ công quốc gia không có thông tin về cư trú. Bên cạnh đó, nếu người dân chưa có tài khoản dịch vụ công quốc gia, phường sẽ hỗ trợ đăng ký, song song đó phường cũng giúp người dân tạo tài khoản VNeID mức 1” - bà Hiền nói.

Bà Trần Thị Huê, Chủ tịch UBND phường10, quận Phú Nhuận, TP.HCM, cũng cho biết thời gian qua phường được trang bị máy quét mã vạch QR để đọc thông tin của người dân. Những thông tin đó giống với thông tin trên CCCD. Với những trường thông tin khi quét mã vạch trên CCCD thì chưa đủ để làm một số thủ tục hành chính cho người dân.

"Phường phải thông qua ứng dụng VNeID mới có đầy đủ các trường thông tin để giải quyết các thủ tục cho người dân. Nếu người dân chưa đăng ký tài khoản VNeID thì phường cũng sẽ có cán bộ hỗ trợ đăng ký giúp người dân. Phường cũng trang bị máy vi tính đặt tại trụ sở UBND phường để thuận tiện cho người dân trong việc tạo tài khoản” - bà Huê chia sẻ.

(Theo PLO)