Hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, kinh doanh từ rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/3/2023 | 9:36:58 AM

YênBái - Tham gia Chương trình FFF, hội viên nông dân tỉnh Yên Bái đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, biết tận dụng đất rừng trồng vốn có, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị của rừng trên một đơn vị diện tích. Qua đó mang lại lợi ích "kép” cho người trồng rừng: vừa tăng thêm nguồn thu, giảm chi phí chăm sóc rừng vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Buổi tham quan mô hình đa dạng hóa sản phẩm dưới tán rừng của Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho thúc đẩy viên Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tại Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Bình An, xã Xuân Long, huyện Yên Bình. Cây trà hoa vàng và cây lá khôi là hai loại cây được chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc nhằm mục đích giúp các thúc đẩy viên đa dạng hóa sản phẩm dưới tán rừng.


Các thúc đẩy viên Chương trình FFF thăm quan Hợp tác xã Dược liệu Bình An, xã Xuân Long, huyện Yên Bình.

Cùng với tham quan thực tế, các thúc đẩy viên FFF cũng đã được thành viên HTX Dược liệu Bình An trao đổi chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, liên kết sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại bền vững; giá trị kinh tế của việc đa dạng hóa sản phẩm dưới tán rừng. 

Triển khai Chương trình FFF do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, giai đoạn II, đợt 2 tại tỉnh Yên Bái, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức cho hội viên tham quan, học tập mô hình trồng cây khôi nhung tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, có sự hướng dẫn phân tích của chuyên gia Chương trình FFF. 

Thực hiện Chương trình FFF, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các hoạt động: tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ rừng; trồng rừng lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp; hội thảo tập huấn về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học dưới tán rừng; kinh nghiệm quản lý, liên kết sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại bền vững… 

Tham gia Chương trình FFF, hội viên nông dân tỉnh Yên Bái đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, biết tận dụng đất rừng trồng vốn có, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị của rừng trên một đơn vị diện tích. Qua đó mang lại lợi ích "kép” cho người trồng rừng: vừa tăng thêm nguồn thu, giảm chi phí chăm sóc rừng vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Minh Huyền - Mạnh Cường