Tăng tốc nhận diện khuôn mặt ở sân bay

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/3/2023 | 2:01:49 PM

Công nghệ nhận diện khuôn mặt đã được thí điểm ở Việt Nam và đã thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, có thể giúp giảm thời gian xếp hàng, chờ khâu an ninh, giảm nhân lực và hạ tầng. Lộ trình thực hiện như thế nào?

Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đang thí điểm nhận diện khuôn mặt tại khu vực kiểm tra an ninh - Ảnh: ACV
Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đang thí điểm nhận diện khuôn mặt tại khu vực kiểm tra an ninh - Ảnh: ACV

Nếu không nỗ lực đột phá công nghệ nhận diện khuôn mặt, các sân bay của Việt Nam có thể tụt hậu ra sao?

Đã thí điểm nhận diện khuôn mặt tại sân bay Việt Nam

Quét vân tay, nhận diện khuôn mặt và mống mắt là ba đặc điểm định danh sinh trắc học phổ biến nhất để xác thực danh tính hành khách tại sân bay. Trong đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt được các sân bay và hãng hàng không ưa chuộng nhờ sự vượt trội về tính năng an toàn, tốc độ nhận diện.

Theo ông Huỳnh Bảo Quốc - trưởng phòng công nghệ thông tin Ban kỹ thuật công nghệ môi trường, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ACV đang thử nghiệm hệ thống xác thực hành khách sử dụng CCCD điện tử trong quy trình kiểm tra an ninh hàng không với hành khách đi tàu bay. 

Sân bay Cát Bi là sân bay đầu tiên lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm phục vụ thử nghiệm từ ngày 1-2. Cảng đã triển khai thí điểm một làn riêng dành cho hành khách đi tàu bay nội địa có sử dụng thẻ CCCD điện tử.

Khi thí điểm xác thực sinh trắc học, cửa an ninh hoặc xuất, nhập cảnh sân bay sẽ được lắp thiết bị tự động chụp gương mặt. "Việc này nhằm giảm thời gian làm thủ tục chuyến bay, tăng độ chính xác, phát hiện hành khách sử dụng giấy tờ giả và sàng lọc người bị cấm bay, truy nã", ông Quốc nói.

Trong đề án chuyển đổi số, ACV chia ra nhiều lộ trình khác nhau. Ông Quốc cho hay ACV bắt đầu thực hiện ở sân bay Cát Bi làm hình mẫu, trước mắt là khu vực quầy kiểm tra giấy tờ khâu an ninh. Đây là khu vực quan trọng đảm bảo an ninhan toàn.

Các nước tiến rất xa

Nhiều du khách cho hay cách làm của Việt Nam vẫn quá sơ khai, trong khi chỉ cần sang ngay Thái Lan, khách đã được thoải mái trong việc xếp hàng chờ nhập cảnh nhờ áp dụng công nghệ hiện đại.

Chị Hồng Nga (quận 1, TP.HCM) cho hay qua khu vực nhập cảnh, chỉ cần quét hộ chiếu, lấy dấu vân tay và quét khuôn mặt chỉ trong 30 giây. Dù không giao tiếp với nhân viên sân bay nhưng khi lấy dấu vân tay, hệ thống hiển thị du khách là người Việt, ngôn ngữ hướng dẫn tiếp theo bằng tiếng Việt. "Công nghệ này quá tiện. Không ai hỏi ai mà vẫn làm thủ tục nhanh gọn", chị Nga nói.

Anh Nguyễn Sơn (quận Bình Thạnh) cho biết khi ra nước ngoài mới "giật mình" với những trải nghiệm khác biệt về công nghệ, giúp việc đi lại thật sự thuận tiện. Chẳng hạn như ở sân bay Heatheow (Anh) cho phép hành khách check-in online và cung cấp dữ liệu bằng cách chụp hình khuôn mặt và hộ chiếu bằng điện thoại cá nhân.

Hay như sân bay Narita (Nhật Bản) yêu cầu du khách check-in tại kiost sinh trắc học chuyên dụng ở sân bay, xác minh danh tính bước đầu bằng hình ảnh và khuôn mặt, hộ chiếu. Theo anh Sơn, những hình ảnh này có vai trò như một dạng hộ chiếu điện tử, lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của sân bay trở thành dữ liệu nhận dạng hành khách ở khâu tiếp theo.

Vào trang web của Hãng bay All Nippon Airways, hiện hành khách dễ dàng sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt với tên gọi là "Face Express". 

Theo đó, các hành khách sẽ không cần trình hộ chiếu, hoặc vé máy bay sau khi làm thủ tục tại quầy vé và gửi hành lý (check-in), giúp đẩy nhanh quy trình làm thủ tục lên máy bay, đồng thời cung cấp trải nghiệm "không chạm" cho hành khách.

"Đây là dịch vụ miễn phí. Không cần phải yêu cầu trước cho dịch vụ này. Vui lòng đăng ký dữ liệu khuôn mặt của bạn tại sân bay vào ngày khởi hành", All Nippon Airways nêu điều kiện sử dụng Face Express và có bốn bước sử dụng Face Express ở sân bay Narita.

Khó nhưng phải làm

Việt Nam mới từng bước thí điểm ở khu an ninh nội địa, chưa thể sử dụng toàn hành trình nên khó thu hút trải nghiệm mới mẻ của du khách. Có ý kiến cho rằng công nghệ này mới thí điểm áp dụng ở khâu an ninh nội địa, giảm tải áp lực cho an ninh chứ chưa thật sự lợi cho hành khách.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo công ty hàng không thừa nhận sân bay Việt Nam mới "bước chân" vào ứng dụng công nghệ ở sân bay là chậm so với các nước, khó thu hút du khách. Các điểm nghẽn về hạ tầng, công nghệ còn yếu, chưa liên kết được dữ liệu... khiến khó triển khai ngay lập tức.

Trước đây khi triển khai sân bay "yên tĩnh" dừng phát loa thông tin chuyến bay, thời gian đầu khách chưa quen nhưng dần đã ổn định, thuận lợi. Tất nhiên, công nghệ sinh trắc học phức tạp hơn, cần nhiều bên tham gia, khó nhưng phải làm. 

Dù vậy, vị này cũng thẳng thắn chỉ ra, những sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng vẫn "cần thời gian" áp dụng công nghệ này. Với tình hình như hiện nay, vị lãnh đạo trên đánh giá: việc chưa thể sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt từ khâu check-in đến khi ra máy bay, cùng việc phải xếp hàng dài chờ làm thủ tục chuyến bay quốc nội lẫn quốc tế tại Việt Nam sẽ vẫn còn ít nhất khoảng vài năm nữa.

Đừng để xa vời quá

Dù vẫn còn mới tại Việt Nam, công nghệ nhận diện khuôn mặt đã được áp dụng rộng rãi cả chục năm nay ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Singapore, UAE... Nhiều hành khách đề nghị những công nghệ nào tiến bộ cần đưa vào sớm để hành khách đi lại bớt chật vật khi ở sân bay.

Anh Hồng Dương (Hà Nội) cho rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt không còn lạ lẫm gì với người dùng điện thoại thông minh Việt Nam. Độ tin cậy của nó cũng không còn đáng nghi, thậm chí nhiều người còn giật mình khi Facebook nhận diện chính xác khuôn mặt mình và thông báo khi ảnh có mặt mình xuất hiện ở đâu đó.

Vì vậy, với những quyết tâm về chính phủ điện tử và cách mạng công nghiệp 4.0 từng được nhiều lãnh đạo Việt Nam nhắc đi nhắc lại, Việt Nam cần tăng tốc công nghệ nhận diện khuôn mặt cho thủ tục hành chính, đặc biệt là sân bay.

Điều này sẽ giảm thời gian, chi phí của người dân và thúc đẩy du lịch. Cảm giác đầu tiên đến sân bay rất quan trọng, chúng ta cần hành động để tránh nhiều người thấy ngay sự... lạc hậu.

Mới đây ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị các sở ngành liên quan khẩn trương làm việc với bộ phận xuất nhập cảnh sân bay Đà Nẵng để giảm thời gian xuất nhập cảnh.

Du khách Hàn Quốc than thở khi vào Đà Nẵng thủ tục nhập cảnh qua sân bay rất lâu, có thể lên tới 50 phút/người. Việc chờ đợi thời gian dài làm thủ tục nhập cảnh gây ảnh hưởng tới tâm trạng của du khách trong chuyến du lịch.

Khoảng 60% quốc gia có dùng nhận diện khuôn mặt ở sân bay

Không dừng ở khả năng mở khóa điện thoại thông minh, công nghệ nhận diện khuôn mặt (FRT) đã được khoảng 60% quốc gia trên thế giới sử dụng ở một số sân bay để giúp hành khách giảm thời gian chờ đợi, góp phần giảm nhân lực. Khuôn mặt con người đang dần thay thế thẻ lên máy bay và hộ chiếu.

Tại nhiều sân bay, không còn cần hành khách xuất trình hộ chiếu và thẻ lên máy bay tại khu vực kiểm tra an ninh hoặc cổng lên máy bay. Hành khách chỉ cần "quét" khuôn mặt của họ.

Trang Passport Photo Online đã lập một danh sách các số liệu thống kê, dữ kiện và xu hướng nhận diện khuôn mặt để làm sáng tỏ cách công nghệ này đang thay đổi thế giới.

Năm quốc gia sử dụng công nghệ FRT hàng đầu trên thế giới gồm: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Mỹ triển khai công nghệ FRT tại các sân bay khá mạnh. 97% sân bay của nước này dự kiến sẽ triển khai công nghệ FRT vào cuối năm 2023. Theo số liệu từ Cục Hàng không liên bang (FAA), Mỹ có 19.633 sân bay trên cả nước.

Hiện nay, Cơ quan Hải quan và Kiểm soát biên giới Mỹ (CBP) đã sử dụng công nghệ FRT tại khoảng 200 sân bay và 12 cảng biển ở Mỹ.

Bỉ và Luxembourg là hai quốc gia duy nhất cấm nhận diện khuôn mặt.

Hệ thống nhận diện khuôn mặt của Interpol chứa hình ảnh khuôn mặt từ hơn 179 quốc gia, khiến nó trở thành cơ sở dữ liệu tội phạm toàn cầu duy nhất.

(Theo TTO)