Hip hop... và vấn đề quản lý hoạt động văn hoá

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/1/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - 20h ngày 16 tháng 12 năm 2006, tại Rạp chiếu bóng Hồng Hà (phường Hồng Hà (TP Yên Bái) đã có cuộc biểu diễn nhảy Hip Hop. Người đứng ra tổ chức là Nguyễn Việt Đức, học sinh lớp 12A4 Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhóm biểu diễn cũng đều là thanh niên học sinh tại một số trường học cùng khu vực và có mời thêm một số bạn nhảy quen biết tại Hải Dương, Hải Phòng đến giao lưu. Như tường trình của người tổ chức “do có chút thành quả trong việc tập luyện và có ý định làm một buổi biểu diễn của nhóm” từ ý định đó, Nguyễn Việt Đức đã nhờ anh Nguyễn Vũ Lam, nguyên là giáo viên hợp đồng không thường xuyên dạy võ Karatedo cho Trường trung cấp Thể dục thể thao Yên Bái lo giúp việc thuê vũ trường. Nhờ mối quan hệ quen biết, anh đã ký hợp đồng kinh tế thuê Rạp Hồng Hà “để biểu diễn giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao”. Và cũng dựa vào đó khai tăng số tiền thuê rạp cùng một số khoản chi: quan hệ, làm lô gô, in vé để nhận số tiền 1.200.000 đồng. Điều đáng nói là ý định quảng bá cho môn nhảy mới đã được nhóm biến thành kinh doanh bán vé, thu tiền mong “gỡ gạc lại một số khoản chi”. Chính hoạt động này đã gây nên sự lộn xộn, mất trật tự nơi công cộng mà trưởng rạp, cơ quan quản lý văn hoá cùng công an phải can thiệp. Các đối tượng tham gia tổ chức đều đã nghiêm túc kiểm điểm. Qua sự việc trên cho thấy:

Việc tổ chức biểu diễn nhảy Hip Hop và thu tiền, bán vé của nhóm nhảy Nguyễn Việt Đức không được phép của cơ quan quản lý văn hoá là trái với “Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng” mà Chính phủ ban hành cùng Nghị định số 11/2006/QĐ-CP.

Anh Nguyễn Vũ Lam biết việc làm sai mà vẫn giúp đỡ theo kiểu kiếm “lời” thật trái với lương tâm. Đồng thời giả danh Trường trung học TDTT để ký hợp đồng thuê rạp là vi phạm pháp luật dù hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Về phía Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng ký hợp đồng với khách hàng thuê rạp biểu diễn cùng cơ sở in làm lô gô và in vé mà không kiểm tra các loại giấy tờ, thủ tục là sai với quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hoá.

Dù rằng, cuối cùng tất cả đều cần rút kinh nghiệm không được tái phạm nhưng vấn đề đặt ra là nhu cầu hoạt động vũ trường của thanh niên có và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tổ chức để sinh hoạt văn hoá này đi vào nền nếp cũng như tránh được mọi tiêu cực, tệ nạn xã hội như đã xảy ra ở một số địa phương khác?

(Nhóm phóng viên Nội chính)