Tấm lòng của một cô giáo trẻ

  • Cập nhật: Chủ nhật, 4/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những ngày công tác tại xã Pá Hu huyện Trạm Tấu (Yên Bái) tôi được các thầy cô giáo trường PTCS nội trú Pá Hu kể cho nghe chuyện cảm động về cô giáo trẻ Chu Thị Thanh, “mẹ đỡ đầu” của ba học trò dân tộc Mông nghèo nhưng hiếu học…

Hoàn thành chương trình 12+2 khi mới vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi tràn đầy ước mơ và hoài bão, bạn bè Thanh đã nhanh chóng tìm được cho mình một chỗ dạy tốt gần nhà, còn cô lại tình nguyện xin lên xã vùng cao khó khăn này để thực hiện những định và khát khao bấy lâu ấp ủ. Thanh kể: “Em lên Pá Hu dạy chữ từ năm 1997, khi ấy trường học và nhà ở của thầy cô chỉ là những chiếc “lán ở” và  “lều” dạy chữ. Khó khăn về nơi ăn chốn ở không cực bằng việc vận động con em đồng bà đến trường. Có khi đi bộ cả ngày trời mới đến được nhà một học sinh, nhưng đến rồi lại về không. Một lần không được thì hai lần, ba lần… Thêm một học sinh đến lớp là nhà trường thêm một thành công và chúng em có thêm niềm vui, niềm tin để bán lớp bám trường”.

Gắn bó và thấu hiểu cuộc sống khốn khó và còn lắm thiệt thòi của trẻ em vùng cao. Những lần vận động học sinh ra lớp thất bại càng nung nấu trong Thanh quyết tâm cảm hoá học trò và làm chuyển biến nhận thức của đồng bào bằng chính tấm lòng tâm huyết của thầy cô. Hình ảnh những đứa trẻ lấm lem đứng chôn chân nơi đầu con dốc đỏ, mắt đau đáu thèm thuồng nhìn đám bạn cùng bản theo chân cô giáo về trường cứ ám ảnh Thanh mỗi đêm.

 Khi tôi hỏi chuyện về những đứa “con đỡ đầu” của mình, Thanh cười, chỉ cậu bé Phàng A Hồ học sinh lớp 2 và bảo: “Thằng bé này khiến em thành “liều” đấy chị ạ! Năm học trước, bữa lên vận động chiêu sinh trên bản Cang Rông Mông, tìm ra tận nương mới gặp được bố mẹ A Hồ nhưng lại không đồng ý cho con đi học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Cô giáo lầm lũi quay về còn thằng bé thì bỏ cả bố mẹ mếu máo chạy theo cô”. Bố mẹ A Hồ nói: “Nhà không có gạo cho nó đi học. Cô giáo nuôi được thì tôi cho nó theo về trường học chữ”. “Thương quá, em đành liều cho cu cậu theo về trường và lo cho ăn cho ngủ như con. Giàng A Của và Sùng A Chư học sinh lớp 2 em dạy bây giờ cũng nhận nuôi trong những hoàn cảch bất đắc dĩ như thế”. 

Tấm lòng và những việc làm của cô giáo trẻ Chu Thị Thanh và các thầy cô giáo trường PTCS nội trú xã Pá Hu đã làm thức tỉnh trách nhiệm và làm chuyển biến rất mạnh trong nhận thức của đồng bào. Cô Thanh cho hay, chỉ ít ngày sau khi bọn trẻ về đây, bố mẹ các em lại đùm rúm gạo, muối xuống trường giao con mình cho cô giáo dạy chữ. “Em vui và có lẽ vì thế mà không muốn xa bọn trẻ bởi chúng ngoan và rất hiếu học”. Năm học 2006-2007 này, ba đứa “con đỡ đầu” của cô giáo Thanh đã bước vào lớp 2 do chính cô dìu dắt. Đã bớt đi phần nào những gian nan trong vận động chiêu sinh bởi nhiều gia đình người Mông ở Pá Hu giờ đã tự nguyện đưa con xuống trường học chữ; học sinh bản gần bản xã đã yêu hơn, gắn bó hơn với thầy cô, với lớp, với trường.

Trách nhiệm với trò bao nhiêu cô giáo Chu Thị Thanh càng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn cho mình. Năm 2003, cô đã hoàn thành chương trình hoàn thiện cao đẳng; năm học 2005-2006 đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của huyện Trạm Tấu và năm học này cô Thanh vinh dự được chọn tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Chắt chiu vốn sống, tri thức và cả tấm lòng mình cho con trẻ những mong mỗi mùa gieo chữ là một mùa thắng lợi, Chu Thị Thanh và các thầy cô giáo ở xã vùng cao khó khăn Pá Hu vẫn ngày đêm âm thâm ươm mầm chữ, con số trên mỗi bản làng xa xôi. Ngời sáng tâm hồn cao đẹp của những thầy cô giáo một đời vì sự nghiệp giáo dục vùng cao Yên Bái.

Minh Anh